Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Qatar trong lòng cuộc chiến chống khủng bố

Thứ tư, 05/07/2017 13:42

(Cadn.com.vn) - Mối liên hệ của Hamas ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Qatar, khiến vương quốc nhỏ bé này trở thành “nguồn kích thích” cho các quốc gia Vùng Vịnh.

Cuộc khủng hoảng Qatar, cho đến nay, vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Việc nhóm các quốc gia Vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu cho thêm thời gian để Qatar thực hiện các yêu cầu của họ cho thấy các nước này đã thất bại trong việc áp đặt ý muốn của họ đối với Doha.

Vì sao cuộc tranh cãi ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và các nước láng giềng ngày càng leo thang? Thứ nhất, rõ ràng là do “không bên nào chịu nhường bên nào”. Và thứ hai, giới chuyên gia cho rằng, trong cuộc khủng hoảng Qatar lần này “có bóng dáng” của cuộc chiến chống khủng bố.

Kể từ khi các nhóm Hồi giáo liên quan đến chủ nghĩa khủng bố gia tăng hoạt động, mối quan hệ thân thiết của Qatar với nhóm Hamas - vốn bị Mỹ và các đồng minh liệt vào nhóm khủng bố - trở thành một trong những điều kiện tiên quyết mà Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đưa ra cho việc khôi phục quan hệ với Doha.

Phong trào Hamas ở Palestine – đặt trụ sở ở Qatar từ năm 2012 - hiện đang được chú ý nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công tháng 9-2001 ở New York và Washington. Cuộc chiến chống Hamas được đẩy mạnh trong tháng 5 với chuyến viếng thăm của Tổng thống Donald Trump đến Riyadh, nơi ông gặp nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực và thế giới Hồi giáo, nhắc lại cam kết của Mỹ đối với chống khủng bố và theo ngụ ý là nhằm vào nhóm này.

Mối quan hệ giữa Qatar và nhóm Hamas khiến các nước Arab tức giận. Ảnh: Hamodia

Thật tế cho thấy, mối quan hệ nồng ấm của Qatar với Hamas là nguồn cơn gây rắc rối. Bởi lẽ, Qatar - một quốc gia bảo thủ truyền thống - vốn là một phần của cuộc chiến chống khủng bố và đã là một phần trong chiến dịch không kích chống lại IS và Al-Qaeda ở Syria, Yemen. Qatar cũng đã cung cấp hậu cần cho Mỹ trong cuộc chiến chống lại Taliban ở Afghanistan qua căn cứ không quân Al Udaid, nơi mà Mỹ hiện có 10.000 binh sĩ.

Nhưng Mỹ và các nước Arab nhận thấy rằng, Qatar đã tìm cách thực hiện chính sách đối ngoại đa phương. Trong khi là một phần của chiến dịch chống khủng bố, Doha tìm cách lôi kéo các nhóm lợi ích khác nhau – và Hamas là một trong số đó - trong một trò chơi dàn xếp chính trị phức tạp. Bằng cách cho Hamas đặt trụ sở từ năm 2012, Qatar cố gắng tăng ảnh hưởng đối với nhóm này. Mối liên hệ với Hamas đã ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Qatar, và chính nó là “nguồn kích thích lớn” cho các quốc gia vùng Vịnh khác.

Nhân tố Iran, quốc gia thù địch của Saudi Arabia, càng khiến môi trường ngày càng bất ổn. Sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các nước phương Tây vào đầu năm 2016, Iran trở nên mạnh mẽ hơn, động thái khiến Saudi Arabia  lo lắng. Vấn đề đặt ra là quan hệ giữa Hamas với Iran vẫn mạnh mẽ bất chấp những thách thức. Đó là việc khiến các quốc gia vùng Vịnh lo lắng và căng thẳng leo thang.

Các nước Arab trong Vùng Vịnh đang rất thất vọng trước sự can thiệp của Iran vào nhiều điểm nóng trong khu vực - Syria, Iraq và Yemen - vì họ cho rằng, việc này làm suy yếu cuộc chiến tranh chống lại Al-Qaeda và IS. Không ai chắc chắn điều gì sẽ xảy ra ngay bây giờ, nhưng nhiều người lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ đến nếu cuộc khủng hoảng ở Vịnh không có dấu hiệu lắng dịu. Tranh chấp cuối cùng giữa các quốc gia Vùng Vịnh với Qatar xảy ra năm 2014, và kéo dài 9 tháng.

Kuwait, quốc gia hoạt động ngoại giao tích cực kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, vẫn đang hy vọng đạt được tiến bộ. Rõ ràng, các bánh xe ngoại giao đang quay lại, nhưng rất chậm.

KHẢ ANH