Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng tị nạn bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh EU

Thứ bảy, 04/02/2017 12:52

(Cadn.com.vn) - Đây là Hội nghị Thượng đỉnh mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU) sau hàng loạt các cuộc họp khẩn nhằm giải quyết khủng hoảng kể từ khi Anh quyết định rời EU hồi tháng 6-2016. Nỗi sợ hãi về bóng ma tị nạn cùng những “quyết sách sai lầm” của tân Tổng thống Mỹ khiến các nhà lãnh đạo quyết định họp khẩn lần nữa.

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt lần này diễn ra ở Malta vào ngày 3-2 khi các nhà lãnh đạo EU nỗ lực làm hồi sinh sức sống của khối đang bị bủa vây bởi nhiều “mối đe dọa”, từ khủng hoảng di cư, Anh rời khỏi khối (còn gọi là vấn đề Brexit) và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump – nhân vật đã dự đoán về sự tan vỡ của khối này.

Trong phiên họp đầu tiên, vốn có sự tham dự của tất cả 28 nhà lãnh đạo, EU tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư trong bối cảnh bùng lên những cảnh báo về sự gia tăng mạnh mẽ làn sóng người tị nạn vượt biển đến Châu Âu từ Libya. “Mục tiêu chính của chúng tôi khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Malta lần này là ngăn chặn dòng chảy người di cư bất chấp mạo hiểm vượt biển từ Libya đến Châu Âu. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn số người phải chết trên sa mạc và biển”, Chủ tịch EU Donald Tusk nói.

Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này tập trung bàn về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang khiến liên minh chao đảo. Ảnh: Europe

Các nhà lãnh đạo EU thảo luận về các vấn đề quốc tế trong bữa ăn trưa, nơi Thủ tướng Anh Theresa May được yêu cầu “báo cáo” về cuộc gặp gỡ giữa bà với Tổng thống Trump tuần trước, nơi họ đã nói về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh sau Brexit. Thủ tướng May bỏ lỡ phiên họp lần 2 khi 27 nhà lãnh đạo khác thảo luận về lộ trình cho tương lai của khối sau Brexit, kết quả sẽ công bố sau hội nghị ngày 27-3 tại Italia.

Với những nghi ngờ ngày càng tăng đối với những cam kết của chính quyền Trump về một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Châu Âu, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về “các vấn đề quốc tế” khác mà khối phải đối mặt. Chủ tịch Tusk, chủ trì hội nghị thượng đỉnh, cảnh báo trong tuần này rằng, Tổng thống Trump là “mối đe dọa” đối với EU ngoài một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và chủ nghĩa dân túy trong nước. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, ông Tusk cho biết, những yếu tố này cùng với những dự báo đáng lo ngại từ chính quyền mới của Mỹ khiến tương lai của EU rơi vào tình trạng khó lường.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo EU cũng lặp lại những ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng, ông Trump là cơ hội cuối cùng cho một Châu Âu thống nhất sau Brexit và cuộc khủng hoảng khu vực đồng EUR, và thậm chí là định hình vị trí của Washington trong chính trị và thương mại toàn cầu. Nhưng thực tế cho thấy, Mỹ thường lảng tránh EU về cuộc khủng hoảng di cư, vốn chứng kiến hơn 1 triệu người đến EU để chạy trốn chiến tranh, nghèo đói ở Syria, Trung Đông và Bắc Phi.

Các tuyến đường từ Libya đến Italia trở thành vấn đề cấp bách nhất, sau khi EU thành công trong việc cắt cửa đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp nhờ vào một thỏa thuận với Ankara. Theo AFP, các nhà lãnh đạo thống nhất các bước để ngăn chặn người di cư lên thuyền ngay tại nơi đầu tiên, trong đó có việc trợ giúp cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Biên giới Libya.

Nhiều người đã nghĩ đến việc EU cần có một thỏa thuận hiệu quả như với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khả thi bởi quốc gia Châu Phi này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 trong khi kế hoạch cho các trại tị nạn cho người di cư bên ngoài lãnh thổ EU chưa “trưởng thành”.

Khả Anh