Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Ukraine phủ bóng G20

Thứ bảy, 15/11/2014 13:32

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh G20, khai mạc hôm nay (15-11) tại thành phố Brisbane, Australia, được xem là thử thách cuối cùng giữa các lãnh đạo phương Tây và Tổng thống Nga Vladimir Putin quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Không quá khó để thấy rõ, Kiev và Moscow sẽ trở thành trung tâm sân khấu chính trị của Hội nghị G20 lần này, trong bối cảnh cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Ukraine hôm 13-11 cáo buộc Nga điều binh sĩ và vũ khí để giúp phe nổi dậy ở miền đông khởi động cuộc tấn công mới. Báo Financial Times dẫn lời một sĩ quan NATO cho biết, Nga hiện triển khai 8 tiểu đoàn - tương đương 6.400 binh sĩ - trên biên giới với Ukraine. Lực lượng này luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Trong vài ngày qua, số lượng lính đặc nhiệm Nga được trang bị vũ khí hoạt động trong lãnh thổ Ukraine cũng gia tăng, khiến NATO rất quan ngại.

Australia thắt chặt an ninh trước thềm Hội nghị G20. Ảnh: Reuters

Mặc dù Moscow hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định đang làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn xung đột bùng phát, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 14-11 lên án hành động của Nga là không thể chấp nhận. Ông Cameron thậm chí cảnh báo, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nhằm vào Moscow.

Khủng hoảng ở Ukraine không phải là trọng tâm hàng đầu tại 2 Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của Châu Á (APEC và ASEAN) tuần qua, mặc dù Tổng thống Barack Obama đề cập đến vấn đề này tại cuộc hội đàm ngắn ngủi với người đồng cấp Putin. Các nhà lãnh đạo G20 gặp nhau ở Brisbane cũng chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, chống đỡ cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và đóng lỗ hổng thuế cho các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ...

Nhưng trong bối cảnh nhiều chương trình nghị sự kinh tế đã có cái kết như mong muốn; thỏa thuận biến đổi khí hậu đạt được hồi tuần trước tại Bắc Kinh giữa Mỹ và Trung Quốc, vấn đề an ninh trở thành trung tâm hội nghị G20 năm nay. Ông chủ Nhà Trắng sẽ đến Brisbane vào hôm nay (15-11) và thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với các đồng minh phương Tây gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Cameron.

Diễn biến này đang mở ra một chặng đường khó khăn cho Tổng thống Putin khi đến Australia. Ngoài áp lực từ phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thách thức khác đặt ra là mối quan hệ Moscow – Canberra đang chứng kiến giai đoạn bế tắc. Khi Canberra vẫn liên tục ám chỉ Moscow phải chịu trách nhiệm cho vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, thông tin về đoàn tàu chiến của Nga hướng đến vùng biển quốc tế phía bắc Brisbane, cũng tạo ra làn sóng phản đối ông chủ Điện Kremlin.

Trừng phạt Nga là vi phạm luật quốc tế

Tổng thống Vladimir Putin ngày 14-11 cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga là sai lầm, đi ngược lại các nguyên tắc của các nền kinh tế G20, đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Reuters, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Itar-Tass trước thềm Hội nghị G20, ông Putin cho rằng, các biện pháp này không chỉ khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng mà cả nền kinh tế toàn cầu. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, quỹ dự trữ của Nga đủ lớn để đối phó với mọi cuộc khủng hoảng mới.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Australia trấn an dư luận khi khẳng định động thái điều động của Nga phù hợp với quy định của luật quốc tế, những tin tức trên khơi mào căng thẳng giữa Thủ tướng nước chủ nhà G20 Tony Abbott và Tổng thống Putin. Thủ tướng Đức, khi trả lời báo giới tại Auckland, bác bỏ mối đe dọa của các tàu chiến Nga nhưng lại đồng lòng cùng các nhà lãnh đạo phản đối ông Putin tại Brisbane.

Bất chấp căng thẳng ngày càng tăng, là nước chủ nhà, Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự và đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo. “Trọng tâm của G20 này sẽ có tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm”, Thủ tướng Abbott cho biết tại một cuộc họp báo với ông Cameron. Canberra đang thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng toàn cầu lên 2% vào năm 2018 để tạo ra hàng triệu việc làm và mục tiêu này đang xuất hiện trên đường đua. Thỏa thuận đánh thuế các Cty toàn cầu như Google Inc (GOOG.O), Apple Inc (AAPL.O) và Amazon.com Inc (AMZN.O) trở thành chủ đề chính trị nóng trên phương tiện truyền thông và các cuộc điều tra.

Ngoài Ukraine, các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, nhất là mối nguy hiểm từ nhóm chiến binh IS, đang đe dọa làm lu mờ các chương trình nghị sự kinh tế của G20.

Khả Anh