Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Nga – Mỹ

Thứ tư, 08/12/2021 13:46

Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến trong ngày 7-12 (giờ địa phương), trong đó đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ukraine đưa 13 trong số 21 lữ đoàn lục quân tới miền Đông tiếp giáp Nga, động thái Moscow coi là hành động khiêu khích. Ảnh: QQ

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp trực tuyến với đồng cấp người Mỹ Joe Biden từ dinh thự ở Sochi sau khi ông trở về từ New Delhi, kết thúc chuyến thăm Ấn Độ. Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình Ukraine, việc NATO mở rộng về phía Đông, những vấn đề liên quan đến ổn định chiến lược và nghị trình song phương. Ngoài ra, lãnh đạo Nga, Mỹ cũng có thể trao đổi về an ninh khu vực, nhất là tình hình ở Afghanistan.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo sẽ sử dụng đường dây điện đàm video an ninh vốn được thiết lập từ nhiều đời chính quyền Mỹ trước đây khi quan hệ Nga-Mỹ vẫn còn có điểm tích cực. Đây sẽ là lần đầu tiên đường dây được sử dụng trở lại sau nhiều năm, sau khi vẫn được duy trì hoạt động về mặt kỹ thuật. Ông Peskov khẳng định hình thức điện đàm video này không khác nhiều về nguyên tắc so với điện đàm hay gặp gỡ trực tiếp. Nó cho phép hai nhà lãnh đạo đề cập đến những chủ đề kín nhất, phức tạp nhất.

Động thái này diễn ra khi mối quan hệ Mỹ - Nga hiện ở mức thấp chưa từng có và căng thẳng giữa hai nước đang leo thang, đặc biệt vì vấn đề Ukraine. Nhà Trắng từng cảnh báo Moscow sẽ phải chịu "những hậu quả nghiêm trọng", ngụ ý về những biện pháp trừng phạt sẽ cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nếu nước này theo đuổi hành động quân sự chống lại Ukraine. Quan chức Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa Mỹ sẽ điều thêm quân tới Đông Âu nếu Nga tiến đánh Ukraine, cáo buộc mà Moscow luôn bác bỏ.

Mỹ và Ukraine gần đây cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân và nhiều khí tài hạng nặng gần biên giới phía tây, cho rằng nước này "đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine". Kiev còn cho rằng Moscow sẽ đưa quân qua biên giới vào đầu năm sau. Nga phủ nhận thông tin lên kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc phương Tây có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự của các thành viên NATO ở Biển Đen, nơi Moscow coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Tổng thống Putin nhiều lần yêu cầu NATO đưa ra cam kết mang tính ràng buộc pháp lý rằng họ sẽ không mở rộng hiện diện về phía đông, kết nạp Ukraine làm thành viên hoặc đặt các hệ thống vũ khí tiến công quá gần lãnh thổ Nga. Putin cảnh báo đây là "lằn ranh đỏ" với Nga và nếu NATO vượt qua lằn ranh này, Moscow sẽ hành động.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần này, Tổng thống Biden dự định làm rõ với Tổng thống Putin về những hành động mà Mỹ và đồng minh sẽ thực hiện nếu Nga đưa quân vào Ukraine, nhưng đồng thời cũng mở ra một con đường ngoại giao giúp giải quyết mối lo ngại của các bên. Tuy nhiên, quan chức này nhận định Biden nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất cứ đảm bảo nào với Putin về yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, bởi Mỹ lâu nay vẫn giữ quan điểm rằng mọi quốc gia đều có quyền tự quyết về an ninh của mình.

Theo nguồn tin này, chính quyền ông Biden đang "lên kế hoạch thận trọng" về những gì Mỹ sẽ làm trong trường hợp kịch bản leo thang giữa hai bên quanh vấn đề Ukraine nhằm đảm bảo an ninh cho các đồng minh NATO. Tuy nhiên, ông lưu ý Mỹ sẽ không xem xét gửi binh sĩ tới Ukraine. Trước thềm thượng đỉnh, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang theo dõi sát những diễn biến dọc biên giới Ukraine, nhưng nhấn mạnh Washington vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao hơn.

KHẢ ANH