Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Vùng Vịnh leo thang

Thứ năm, 29/06/2017 09:37

(Cadn.com.vn) - Việc Saudi Arabia kiên quyết không nhượng bộ trong khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dọa loại Qatar ra khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang khiến cuộc khủng hoảng Qatar leo thang khó kiểm soát.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani (trái)
hội đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ở Washington về các lệnh cấm
mà các nước Arab nhằm vào Doha.                Ảnh: AFP

Qatar ngày 28-6 mạnh mẽ lên án việc Saudi Arabia và các đồng minh Arab quyết định từ chối thương lượng các yêu cầu trong “tối hậu thư” do chính họ đưa ra.

Phát biểu tại thủ đô Washington của Mỹ, nơi diễn ra cuộc hội đàm với Ngoại trưởng nước chủ nhà Rex Tillerson, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết, quan điểm của Saudi Arabia là không thể chấp nhận. “Điều này trái với các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ quốc tế vì bạn không thể một mặt đưa ra các yêu cầu và một mặt lại từ chối đàm phán”, ông Sheikh Mohammed nói.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir, hiện đang ở Washington, đã không tham gia vào cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tuần qua, vốn khiến Qatar, một đồng minh của Mỹ, bị cô lập dưới hình thức cấm vận thương mại và ngoại giao do các nước láng giềng Arab Vùng Vịnh đặt ra. Ngoại trưởng Al-Jubeir cho biết sẽ không có cuộc đàm phán nào đối với những đòi hỏi của Qatar và các quốc gia Arab khác ngoài việc Doha ngừng hỗ trợ khủng bố. “Các yêu cầu của chúng tôi đối với Qatar là không thể đàm phán. Mọi việc phụ thuộc vào Qatar, đó là cần phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”, ông Jubeir nói trên Twitter.

Trong khi Saudi Arabia kiên quyết không nhượng bộ thì UAE cảnh báo rằng, Qatar nên đưa ra các yêu cầu nghiêm túc hoặc phải “ly hôn” với GCC. Đại sứ UAE tại Nga, ông Omar Ghobash hôm 28-6 còn cho biết, các nước Arab Vùng Vịnh đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với Qatar và có khả năng đề nghị các đối tác thương mại của những nước này lựa chọn giữa họ hoặc Doha. “Một trong số đó sẽ là áp đặt các điều kiện đối với các đối tác thương mại của chính chúng tôi, yêu cầu họ phải đưa ra lựa chọn thương mại nếu muốn hợp tác với chúng tôi”, ông Ghobash nói khi trả lời phỏng vấn tờ Guardian tại London, Anh.  Ông còn nhấn mạnh việc đưa Qatar ra khỏi GCC có thể không phải là biện pháp trừng phạt duy nhất.

Với sự hỗ trợ của UAE, Ai Cập và Bahrain, Saudi Arabia hôm 5-6 tuyên bố cắt đứt hoàn toàn tất cả các mối quan hệ với Qatar, buộc tội Doha bảo trợ khủng bố - cáo buộc mà nước này hoàn toàn phủ nhận. Các nước Arab đóng cửa không phận đối với các hãng vận chuyển của Qatar và chặn đường biên giới đất liền duy nhất của vương quốc nhỏ bé này, một con đường quan trọng cho việc nhập khẩu lương thực. Các nước này cũng ra lệnh cho tất cả người Qatar phải rời đi và kêu gọi công dân của họ trở về nhà.

Hồi tuần trước, Riyadh đưa ra “tối hậu thư” gồm danh sách 13 yêu cầu cho Qatar để đổi lấy việc chấm dứt các lệnh cấm vận trên. Trong số các điều kiện được đưa ra có yêu cầu Qatar đóng cửa hãng truyền thông Al Jazeera, buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi nước này, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran cũng như phải chấm dứt quan hệ với nhóm Anh em Hồi giáo (MB). Giới quan sát cho rằng, các nước Arab thật sự đang gây khó cho Qatar bởi đây là những điều kiện mà Doha khó có có thể đáp ứng.  Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, những yêu cầu dành cho Qatar như thế này là “rất mang tính khiêu khích” và phía Doha sẽ rất khó để có thể đáp ứng.

Giờ đây, khủng hoảng Vùng Vịnh lại leo thang khó kiểm soát. Sự rạn nứt giữa các đồng minh Arab như thế này là đòn đánh mạnh vào Washington trong bối cảnh chiến dịch chống lại nhóm IS đang lên đến đỉnh điểm ở Iraq và Syria. Mỹ đã tổ chức các cuộc họp lặp đi lặp lại với cả hai bên cũng như với các bên trung gian hòa giải như Kuwait và LHQ.

KHẢ ANH