Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Yemen hay cuộc chiến Iran- Saudi Arabia?

Thứ năm, 26/03/2015 10:46

(Cadn.com.vn) - Yemen đang rơi vào chảo dầu bạo lực, với sự cạnh tranh quyền lợi của nhóm phiến quân Hồi giáo Shiite Houthi, các bộ tộc Sunni, Saudi Arabia, Iran, Al-Qaeda và hiện giờ là nhóm cực đoan IS. Tất cả đang tạo thành một "hỗn hợp độc hại".

Tình hình xấu khiến Mỹ - Anh đóng cửa đại sứ quán và sơ tán nhân viên, trong khi các nước Arab vùng Vịnh chuyển đại sứ quán đến thành phố Aden, phía nam Yemen.

Hiện, phiến quân Houthi đang tìm cách tiến vào Aden, nơi kiểm soát lối vào Biển Đỏ, eo biển Bab al-Mandab, vốn có khoảng 20.000 tàu bè qua lại mỗi năm. Thành phố này cũng là căn cứ của Tổng thống Mansour Hadi Abdrabbuh, người kêu gọi sự can thiệp quân sự của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm cả việc áp đặt vùng cấm bay. Tuy nhiên, rất ít người hy vọng vào những lời hứa hẹn đã đưa ra trong các cuộc đàm phán tại Qatar.

Liệu có phải Yemen muốn lôi kéo các nước trong khu vực tham gia vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn?

Xung đột chủ nghĩa bè phái

Trung tâm xung đột hiện nay tại Yemen là giữa các nhóm phiến quân, chủ yếu là nhóm Houthi và chính phủ được bầu.

Cựu Tổng thống đầy quyền lực Ali Abdullah Saleh, được cho là rất ủng hộ Houthi nhằm quyết tâm không để Yemen rơi vào tay người kế nhiệm vốn được LHQ hậu thuẫn, Tổng thống Hadi. Iran cũng bị cáo buộc hỗ trợ Houthis. Nhóm phiến quân chính thức phủ nhận điều này, nhưng nhiều nhân vật cấp cao của nhóm được nhìn thấy tại thành phố linh thiêng Qom của Iran. Tất cả điều này đủ nghiêm trọng để Saudi Arabia hành động, song họ đã thức dậy quá muộn. Họ đã để cho phong trào nổi dậy ủng hộ Iran tiếp quản nước láng giềng phía nam nhanh chóng.

Saudi Arabia, nước tiến hành các cuộc không kích chống lại Houthi trên biên giới chung vào năm 2010, nói rằng, sẽ không cho phép Iran "gieo rắc xung đột phe phái ở khu vực" và tuyên bố sẽ ủng hộ Tổng thống Hadi đang bị bao vây.

Chiến tranh ủy nhiệm

Việc Saudi chuẩn bị quân đội, cùng với các nỗ lực ngoại giao ngày càng tăng, là tín hiệu cho thấy nước này đang nỗ lực ngăn chặn Houthi kiểm soát eo biển Bab al-Mandab.

Câu hỏi cấp bách hiện nay là liệu Không quân Hoàng gia Saudi có can thiệp để ngăn chặn Aden rơi vào tay Houthi hay không. "Tất cả dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang chuẩn bị về mặt quân sự, nhưng quyết định chính trị vẫn chưa được thực hiện", nhà phân tích an ninh Aimen Deen cho biết. Yemen quá đủ rắc rối với cuộc chiến đang diễn ra ngay tại nước mình. Nhưng nếu Saudi và các nước vùng Vịnh Arab ở một bên, và Iran ở bên kia, cuộc xung đột có nguy cơ leo thang tồi tệ hơn theo cấp số nhân.

Phiến quân Houthi và những người ủng hộ nhóm biểu tình phản đối sự can thiệp của các quốc gia Arab vùng Vịnh và Mỹ. Ảnh: EPA

Can thiệp từ bên ngoài

Yemen không lạ gì với sự can thiệp từ bên ngoài.

Trong cuộc chiến dân sự năm 1960, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser gửi lực lượng không quân hỗ trợ phe Cộng hòa chống lại phe Hoàng gia, thả vũ khí hóa học xuống Yemen. Aden và các tỉnh lân cận được bảo hộ của Anh cho đến khi London rút quân vào năm 1967. Và trong 20 năm qua, quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự nhỏ và kín đáo ở Yemen, chủ yếu là đào tạo và tư vấn về chống khủng bố, nhưng sau đó đột ngột rút quân sau khi Al-Qaeda chiếm đóng một thị trấn gần đó.

"Nguy hiểm thật sự của cuộc nội chiến là sự tham gia của bên ngoài", một quan chức cao cấp phương Tây, nhận định. Nhưng các nước phải suy nghĩ cẩn thận trước khi can thiệp quân sự ở Yemen. Đó là quyết định tốn kém, và đầy nguy hiểm.

An Bình
(Theo BBC)