Báo Công An Đà Nẵng

Khuyến công - hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, làng nghề

Thứ năm, 25/10/2018 15:00

Lựa chọn hỗ trợ đúng đối tượng, ưu tiên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp; làng nghề đầu tư thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… những năm qua, chương trình khuyến công của TP Đà Nẵng  đã phát huy được vai trò tạo đà, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn.

Cty TNHH giấy Sức Trẻ được đầu tư mới một dây chuyển sàng lọc bột giấy hiện đại.

Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Trao đổi với ông Lê Thanh Hạ- Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng (Trung tâm KC) chúng tôi được biết,  trong năm 2016, TP Đà Nẵng chỉ có 13 đề án KC với kinh phí 1,26 tỷ đồng từ T.Ư và địa phương. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ -UBND của UBND TP Đà Nẵng về chính sách KC địa phương. Sự ra đời của chính sách mới đã góp phần quan trọng giúp hoạt động KC Đà Nẵng hỗ trợ thiết thực hơn cho nhu cầu sản xuất và tạo điều kiện phát triển cho các DN, cơ sở thuộc đối tượng, địa bàn được hỗ trợ.  Do vậy, trong năm 2017 đã tăng lên 24 đề án KC với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng; trong đó, UBND TP giao Sở Công Thương phân bổ hoạt động KC địa phương với kinh phí 990 triệu đồng cho 18 đề án. Các đề án tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH) trên địa bàn.  

Đầu năm 2018, Trung tâm KC đã hỗ trợ hơn 590 triệu đồng cho 3 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn H. Hòa Vang: Cty Toàn Gia Phú có nhà máy sản xuất nước tinh khiết BIGC tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn; Cty Cổ phần Công nghệ Đức Huy (xã Hòa Nhơn) và Cơ sở Sản xuất nhựa Bình Minh (xã Hòa Khương). Đây là những đơn vị đạt tiêu chí về chương trình SXSH. Đối với Cty Toàn Gia Phú, Trung tâm đồng ý hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất nước, đây là dây chuyền tự động hiện đại của Nhật Bản lần đầu được triển khai tại H. Hòa Vang. Bên cạnh đó Trung tâm còn hỗ trợ Cty này về thủ tục pháp lý, lắp đặt máy móc, giúp đào tạo tay nghề cho công nhân là người địa phương. Đến nay dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả, tạo điều kiện lao động và cuộc sống ổn định cho hơn 40 lao động của thôn Đại La, xã Hòa Sơn.  Cty CP Đức Huy được Trung tâm hỗ trợ 200 triệu đồng để đầu tư công nghệ chà mờ kính tự động. Đây là công nghệ điều khiển tự động bằng màn hình PLC, tạo sản phẩm kính cường lực chà mờ, sử dụng cho các công trình lớn, nhà ở, văn phòng trên địa bàn Đà Nẵng. Đến nay dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 cán bộ kỹ thuật và công nhân sinh sống trên địa bàn xã Hòa Nhơn.  Đối với cơ sở sản xuất nhựa Bình Minh trước đây chuyên làm thủ công các loại ván nhựa phục vụ quảng cáo và trang trí nội thất thì ước mong lớn nhất của cơ sở là trang bị máy cắt nhựa tự động nhưng không đủ tiền. Qua tìm hiểu, Trung tâm đã tư vấn và hỗ trợ 95 triệu đồng để mua 1 máy cắt nhựa. Đây là máy cắt hiện đại có thể thi công những vách nhựa lớn, nhỏ, tạo họa tiết tinh xảo được nhiều nhà thiết kế nội thất, quảng cáo ưa chuộng. Nhờ hỗ trợ, đến nay cơ sở Bình Minh đã tạo thương hiệu vững vàng trên thị trường, và duy trì việc làm ổn định cho 17 công nhân là dân xã Hòa Khương…

Công ty TNHH Hương Quế đang giới thiệu máy cắt dập đi vào hoạt động.

Khuyến công nâng cao năng lực sản xuất

Nhiều năm qua, công tác KC trên địa bàn Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) chỉ nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC địa phương, hỗ trợ cho các loại hình sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác và làng nghề. Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ thúc đẩy các ngành nghề, sản phẩm đang có lợi thế, khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề phù hợp với địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hàng đặc sản, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu…năm 2017 mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC của Q. Liên Chiểu đã tăng lên, địa bàn hỗ trợ mở rộng thêm các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và Hòa Khánh Nam.

Tháng 10-2018, theo đề xuất của Phòng Kinh tế Q. Liên Chiểu, Trung tâm KC đã khảo sát thực tế tại các đơn vị trên địa bàn quận.  Xét nhu cầu và tính cần thiết, Trung tâm KC đã đề xuất lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài chính, Sở Công Thương phê duyệt kinh phí KC năm 2018 để hỗ trợ máy móc, thiết bị nâng cao năng lực sản xuất cho 4 Cty: Cty TNHH Hương Quế, Cty CP xi-măng Ngũ Hành Sơn, Cty TNHH giấy Sức Trẻ và Cty TNHH nước mắm Hồng Hương- Nam Ô với tổng kinh phí 465 triệu đồng.

Cty TNHH Hương Quế là đơn vị sản xuất ổn định, thị trường xuất khẩu sang nhiều quốc gia thuộc EU và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả Cộng hòa Liên bang Đức, một trong số các thị trường khó tính nhất hiện nay. Với các sản phẩm đặc thù như: lót giày, dép, nịt lưng, bụng, gối,… được chế biến từ quế Trà My, có tác dụng giảm đau viêm khớp, giảm đau đầu và chứng đau nửa đầu, giảm cholesterol… ngày càng chiếm được lòng tin của khách hàng.  Để chủ động trong sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, Cty lên kế hoạch đầu tư 1 máy cắt định hình, dập ép thủy lực của Đài Loan với kinh phí 350.000.000 đồng; trong đó Trung tâm KC hỗ trợ 150.000.000 đồng.  Máy cắt đi vào hoạt động đã góp phần tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của Cty.

Cty CP xi-măng Ngũ Hành Sơn xác định sản phẩm phải đạt chất lượng, mẫu mã giống nhau và phải kiểm soát được các thông số kỹ thuật, tỷ lệ pha trộn phải cài đặt chính xác. Đặc biệt trong công đoạn phối liệu để nghiền và định luợng nghiền xi-măng là rất quan trọng, quyết định chất lượng xi-măng. Nhận thấy tầm quan trọng của việc đầu tư hệ thống cân bằng định lượng (CBĐL) nên Cty quyết định đầu tư và được Trung tâm KC hỗ trợ 140 triệu đồng. Hệ thống được trang bị đã giúp nhà máy hoạt động liên tục, cung cấp chính xác lượng nguyên liệu cần thiết.

Giống như các doanh nghiệp khác trong ngành giấy, Cty TNHH giấy Sức Trẻ rất cần đầu tư  thiết bị, cải thiện công nghệ sản xuất là cần thiết nên đã quyết định đầu tư mới một dây chuyển sàng lọc bột giấy hiện đại (Cell) với tổng kinh phí 275 triệu đồng trong đó nguồn KC công hỗ trợ 115 triệu đồng. Từ khi trang bị dây chuyền, việc thay đổi công nghệ, máy móc hiện đại đã giúp Cty tăng sản lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với Làng nước mắm Nam Ô nay chỉ còn khoảng 50 hộ làm nước mắm dưới dạng hộ gia đình. Các hộ sản xuất quy mô nhỏ, sản phẩm không đồng đều về chất lượng nên giá trị lợi nhuận thấp. Với quy mô sản xuất nhỏ và sản xuất thủ công như hiện nay, Làng nước mắm Nam Ô đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm KC, Cty TNHH nước mắm Hồng Hương đã  mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tự động hóa nhằm tạo ra sản phẩm nước mắm Nam Ô mang tính thương mại, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).  Nhận thấy việc đánh bắt hải sản thường gặp cảnh được mùa nhưng mất giá, nhiều lúc không bán được bị lỗ vốn, bên cạnh đó chế biến thủ công không đảm yêu cầu VSATTP nên Cty rất cần đầu tư 1 máy sấy thủy sản nhưng không đủ kinh phí. Sau khi được Trung  tâm KC hỗ trợ 60 triệu đồng, Cty đã đầu tư máy sấy và đã góp phần xây dựng lại thương hiệu làng nghề, tạo thêm sản phẩm mang tính thương mại, đảm bảo các yêu cầu về VSATTP.

Những kết quả đạt được cho thấy việc triển khai chương trình KC của TP Đà Nẵng thời gian qua đã đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hoạt động của Trung tâm KC đã bám sát mục tiêu, kế hoạch, góp phần tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện hiệu quả Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng cũng như Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về "Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020".

HIỀN MINH