Báo Công An Đà Nẵng

Khuyến khích học sinh, sinh viên xây dựng mạng lưới chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Thứ tư, 23/12/2020 10:37

Đó là phát biểu nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 (SV-Start up 2020) đã khai mạc sáng 22-12, tại Hà Nội. Hoạt động do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi và Cty cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại biểu tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

“Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có bước tiến rất dài, mặc dù quá trình hoàn thiện còn rất xa. Hiện Việt Nam đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong các trường đại học, có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp sáng tạo. Trên cả nước, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Điều quan trọng nhất là rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên đã được khơi dậy khát vọng cùng nhau khởi nghiệp, sáng tạo, đóng góp vào xây dựng và bảo vệ đất nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, thế giới ngày nay giống như một cuộc chạy đua cạnh tranh khốc liệt. Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều quyết tâm, không chỉ riêng Việt Nam. Bước sai một chút là không chỉ bị tụt lại mà có thể bị loại khỏi cuộc đua, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Dù phát triển nhanh nhưng trình độ phát triển chung của Việt Nam, trong đó có trình độ phát triển kinh tế vẫn còn thua kém nhiều nước.

Theo Phó Thủ tướng, để đất nước phát triển nhanh, bền vững và đạt được mục tiêu đến năm 2035 có một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới giáo dục đào tạo, trong đó khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo cần hướng đến tận dụng các nền tảng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, cách tiếp cận thị trường mới, từ đó tạo ra một thị trường mới thành công.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc nhiều trường đại học trên cả nước đã và đang thay đổi tư duy, chú trọng nhiều hơn vào công tác nghiên cứu, khơi dậy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức cơ bản, các trường cần đưa vào nội dung giảng dạy những môn học về kỹ năng khởi nghiệp, làm việc nhóm; khuyến khích học sinh, sinh viên xây dựng cho mình những mạng lưới bạn bè và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp.

Sau 3 năm triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và 3 lần tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, số lượng các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi toàn quốc đã tăng lên gấp đôi. Chất lượng, tính khả thi, tính sáng tạo của các dự án cũng được các giám khảo đánh giá cao... Điểm nhấn của năm nay là cuộc thi được tổ chức với quy mô trên toàn quốc với hơn 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu học sinh, sinh viên. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên có độ tuổi từ 12 - 24 tuổi, được phát động từ tháng 7 đến nay đã nhận được gần 600 bài dự thi (tăng gấp đôi so với năm 2019).

Với quy chế chấm điểm khoa học, logic và sát thực tế, kết quả của cuộc thi sẽ là thước đo phản ánh chân thực nhất chất lượng của các dự án cũng như chất lượng thí sinh tham dự. Dự án đạt giải nhất khối sinh viên có cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

V.Hà