“Kịch bản” nào cho dự án Khu CNTT Đà Nẵng?
(Cadn.com.vn) - Dự án Khu công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng tại xã Hòa Liên (H. Hòa Vang) do Tập đoàn Rocky Lai & Associates (Mỹ) làm chủ đầu tư với diện tích 341ha, trong đó thành phố đã giao 131ha với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD, khởi công ngày 6-4-2013. Tuy nhiên, dự án đã “đứng bánh” gần 2 năm nay gây nhiều bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật, nhưng việc thu hồi dự án đang gặp nhiều rắc rối.
Mô hình Khu CNTT Đà Nẵng. |
Phớt lờ “tối hậu thư”
Để thể hiện quyết tâm thu hồi dự án, ngày 3-7-2015, Thường trực Thành ủy có Thông báo 364/TB-TU chỉ đạo UBND thành phố làm việc với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các thủ tục thu hồi dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Tiếp đó, HĐND thành phố ra Nghị quyết 111/NQ-HĐND ngày 9-7-2015 chỉ đạo xử lý vấn đề dự án. Ngày 22-7-2015 UBND thành phố có Công văn số 5631 và ngày 25-7, Sở KH&ĐT ban hành Thông báo 783 gửi chủ đầu tư thông báo việc thu hồi dự án... Trên cơ sở đó, ngày 25-8-2015, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và đi đến kết luận yêu cầu Sở TN&MT, Sở KH&ĐT thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 9-2015 theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Đây là dự án không thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo của TP Đà Nẵng về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời hạn san nền giai đoạn 1. Mặc dù, thành phố đã có “ân hạn” cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”. Điều đáng nói là UBND TP Đà Nẵng đã bỏ ra 50 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý các thủ tục thu hồi dự án còn “rối như canh hẹ”.
Dự án CNTT Đà Nẵng được ký hợp đồng thuê đất vào tháng 6-2014, chủ đầu tư vẫn triển khai san nền nhưng rất chậm so với tiến độ cam kết. Giấy chứng nhận đầu tư được UBND thành phố cấp ngày 5-5-2012 và điều chỉnh thay đổi lần 1 vào ngày 9-10-2013, trong đó có nêu tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 1 từ 2013 – 2017. Đề cập đến vấn đề tại sao chưa thể thu hồi dự án, lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng, căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư cũng như thực tế của dự án thì chưa có cơ sở để thu hồi đất của chủ đầu tư, vì theo Luật Đầu tư 2014 nếu dự án không được thực hiện trong thời hạn 12 tháng liền hoặc chậm tiến độ hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận dự án, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mới được thu hồi. Trong khi đó, giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 từ năm 2013 – 2017, tức là còn 2 năm nữa mới có cơ sở thu hồi. Vấn đề này cũng được đại diện Sở Tư pháp đề cập khi Sở KH&ĐT có văn bản lấy ý kiến của Sở Tư pháp về thủ tục pháp lý để thu hồi dự án...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ thời điểm 2012 đến nay, “siêu dự án” này mới đặt cọc vào ngân sách thành phố một khoản tiền khá khiêm tốn 200 ngàn USD và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nào khác đối với thành phố. Trong khi đó, tổng số tiền Cty Rocky Lai phải hoàn trả cho thành phố giai đoạn 1 là gần 100 tỷ đồng và 10 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nợ tiền thuê đất hơn 37 tỷ đồng (nếu tính cả nợ phạt chậm nộp lên đến 43,5 tỷ đồng) và Cục Thuế Đà Nẵng đã có 3 lần cưỡng chế phong tỏa tài khoản tại 2 ngân hàng nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu nộp. Chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư hơn 50 tỷ đồng theo biên bản thỏa thuận giữa thành phố và Cty Rocky Lai ngày 24-10-2014 và trả chậm nhất là cuối tháng 10-2014 nhưng đến nay Rocky Lai vẫn chưa trả đồng nào cho thành phố. Trong khi đó, thành phố phải ứng tiền ra để đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân. Chi phí chuẩn bị đầu tư và rà phá bom mìn, vật nổ là hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn nợ nhà thầu thi công, nợ lương nhân viên, nợ BHXH, BHYT hàng tỷ đồng.
Đổi chủ?
Ông Paul Tạ, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Rocky Lai (người đang sở hữu 11% cổ phần của dự án) thừa nhận rằng dự án có chậm tiến độ và không thực hiện đúng theo cam kết với UBND thành phố là do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là thiếu năng lực tài chính do cổ đông Rocky Saint – Let rút vốn đột ngột. Tuy nhiên, ông Paul Tạ vẫn khẳng định mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án này và đề nghị thành phố cho phép Cty CP Trung Nam tham gia góp vốn vào dự án. Đồng thời cam kết nếu được UBND thành phố đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần cho Cty Trung Nam, dự án sẽ được tái khởi động và thanh toán đầy đủ số tiền nợ ngân sách Nhà nước, tiền nợ nhân viên, nợ nhà thầu, BHXH, BHYT...
Mới đây, Sở KH & ĐT chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành có liên quan và chủ đầu tư nhằm nghiên cứu, đề xuất việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án Khu CNTT Đà Nẵng, đồng thời tìm những hướng đi mới cho dự án. Tại cuộc họp đa số ý kiến phát biểu của lãnh đạo các sở, ngành đều cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần cho Cty Trung Nam là phù hợp với tình hình thực tế của dự án. Được biết, Cty Trung Nam cam kết trước mắt là 126 tỷ đồng để chi trả các khoản nợ như nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền đền bù giải tỏa, nợ tiền chuẩn bị đầu tư và sẵn sàng bỏ ra thêm 300 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 1. Đại diện lãnh đạo Cty Trung Nam cho biết, đầu tư vào hạ tầng là thế mạnh của Cty Trung Nam, tận dụng được lợi thế nguồn lực đang thực hiện tại các dự án khác ở Đà Nẵng vào dự án Khu CNTT là để giảm chi phí đầu tư dẫn đến giảm giá cho thuê đất cho các nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả khu đô thị Golden Hills, sử dụng đất dư thừa trong quá trình san nền tại dự án Khu CNTT để san lấp tại Khu đô thị Golden Hills.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: Việc cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng cổ phần cho Cty Trung Nam giúp cho dự án có nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và thành phố cũng thu hồi được hơn 100 tỷ đồng để tái đầu tư mở rộng hạ tầng CNTT của thành phố; góp phần bảo đảm môi trường đầu tư nước ngoài ổn định, tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư khác vào lĩnh vực CNTT của thành phố. Vấn đề này cũng được ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận: Việc chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án CNTT sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian do vướng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai năm 2014. Do vậy, đề nghị thành phố chọn phương án cho Rocky Lai chuyển nhượng cổ phần cho Cty Trung Nam.
“Việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông sáng lập là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tiến độ dự án cũng không bị gián đoạn trong thời gian chờ thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư Rocky Lai; thành phố thu được tiền nợ, không phải đứng ra xử lý các tranh chấp nếu có; tận dụng được nguồn lực sẵn có của Cty Trung Nam. Tuy nhiên, Rocky Lai và Trung Nam phải cùng ký một biên bản cam kết triển khai dự án với UBND thành phố, trong đó ràng buộc thời hạn, tiến độ xây dựng chi tiết, hoàn thành từng hạng mục thi công cụ thể, đảm bảo thực hiện dự án theo đúng mục tiêu và quy mô đã cấp, nộp quỹ bảo lãnh đầu tư, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách thành phố” - ông Phạm Kim Sơn nói.
Xuân Đương