Báo Công An Đà Nẵng

Kịch bản nào cho Hy Lạp?

Thứ hai, 21/09/2015 09:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-9, Hy Lạp bắt đầu cuộc tổng tuyển cử quan trọng, được tổ chức trong bối cảnh Athens đang phải đối đầu với quá nhiều khó khăn, từ cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng đến khủng hoảng người di cư đang nhấn chìm nước này.

Gần 10 triệu cử tri Hy Lạp sẽ lựa chọn chính phủ mới, trong số 9 đảng đang chạy đua, để thực thi gói cứu trợ mới trong 3 năm được Quốc hội thông qua hồi tháng trước. Quyết định gây bất đồng này khiến chính phủ của Thủ tướng theo đường lối cấp tiến Alexis Tsipras phải từ chức. Vì vậy, giờ đây, Hy Lạp cần sự ổn định chính trị để thực hiện các điều khoản của gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ EUR, tránh lặp lại thảm họa phá sản cũng như giữ vững vị trí thành viên của Khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone).

Đảng Syriza cánh tả đang tìm mọi cách trở lại nắm quyền trong cuộc đua tranh gắt gao với đối thủ chính - đảng Dân chủ Mới chủ trương theo đường lối bảo thủ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, không đảng nào có thể giành chiến thắng đa số ghế đủ để đứng ra thành lập một chính phủ riêng.

Và kịch bản đầu tiên được đặt ra là đảng Syriza sẽ buộc phải liên minh với đảng Dân chủ Mới. Một liên minh như vậy sẽ đảm bảo một Quốc hội mạnh mẽ trong “tòa nhà có 300 chiếc ghế quyền lực này”. Kết cục này chắc chắn cũng sẽ khiến các chủ nợ của Athens hài lòng bởi họ muốn một Hy Lạp mạnh mẽ và đoàn kết chính trị để từ đó có thể phát triển kinh tế và có khả năng trả nợ.

Nhưng kịch bản này cũng rất khó xảy ra. Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Vangelis Meimarakis tuyên bố sẽ mở cửa cho một liên minh như vậy, nhưng đó chỉ là “lựa chọn cuối cùng” để cứu đất nước đang gánh chịu khủng hoảng. Ông Meimarakis cũng không ngừng cáo buộc đảng Syriza “quá kém cỏi” trong việc xử lý cuộc khủng hoảng. Thủ lĩnh đảng Syriza,  cựu Thủ tướng Tsipras, cũng tuyên bố, “đây sẽ là một liên minh bất thường”. Ông Tsipras buộc tội đảng Dân chủ Mới là một phần của hệ thống chính trị tham nhũng đã đẩy Hy Lạp vào khủng hoảng nợ.

Nếu đảng Syriza không thể bắt tay với đảng Dân chủ Mới, người ta cho rằng, một trong “hai ông lớn” này sẽ liên minh với các đảng nhỏ hơn như Potami hay Pasok. Tuy nhiên, kịch bản thứ hai này chắc chắn sẽ khiến các chủ nợ chỉ trích gay gắt. Và kịch bản cuối cùng là sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác. Nhưng không ai mong muốn xảy ra tình huống này. Thực tế là các cử tri đang rất mệt mỏi. Cuộc bầu cử lần này đánh dấu lần thứ 3 cử tri phải đi bỏ phiếu trong năm nay, sau cuộc bầu cử vào tháng 1 và cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ vào tháng 7.

Thanh Văn