Kịch bản rời đi
Sau khi đến thăm một số nước ở Vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp kéo dài 4 giờ đồng hồ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tại Ankara vào ngày 20-2. Dù không có cuộc họp báo chung nào diễn ra sau cuộc gặp, nhưng nhiều người cho rằng, trọng tâm trong cuộc gặp này chỉ có 2 vấn đề: vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở NATO và tranh cãi về lực lượng người Kurd ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO – một liên minh quân sự duy nhất trên thế giới - trong gần 70 năm qua. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy, nước này không còn muốn giữ tư cách thành viên NATO. Những dấu hiệu không dứt khoát từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Ankara là minh chứng cho điều đó. Tổng thống Erdogan cũng đã từng đề xuất xem lại tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ sau một sự cố hy hữu: ảnh chân dung Tổng thống Erdogan và nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk bị đưa ra làm bia đỡ đạn coi như kẻ thù, trong một cuộc tập trận chung của các quốc gia thành viên NATO tại Na Uy hồi cuối năm ngoái.
Nếu Thổ nhất quyết ra đi, nó sẽ để lại lỗ hổng rất lớn cho NATO bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng mạnh chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ ở NATO. Và khả năng Ankara rời NATO đang ngày càng được nói đến nhiều khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang ấm nồng hơn bao giờ hết. Có thể, Nga là một phần nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ có ý định rời bỏ NATO, nhưng điều quan trọng hơn là sợi dây đồng minh Mỹ-Thổ đang ngày càng rạn nứt nghiêm trọng, nhất là sau khi Ankra phát động chiến dịch tấn công quân sự mang tên “Cành ô-liu” tại thành phố Afrin ở miền bắc Syria, cố gắng ngăn chặn người Kurd ở Syria giành quyền kiểm soát trong khu vực này.
Vì vậy, khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tillerson đã sẵn sàng cho “những cuộc đối thoại khó khăn”. Bởi trước đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đưa ra tối hậu thư với Washington: hoặc là Mỹ phải nỗ lực “làm gì đó” để giải quyết những quan ngại về an ninh biên giới của Ankara hoặc mối quan hệ đồng minh sẽ bị rạn nứt.
Có thể, “tối hậu thư” của ông Cavusoglu là hơi quá. Nhưng thực tế cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã than phiền về sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh người Kurd (YPG) ở Syria, lực lượng mà Ankara xem như là những kẻ khủng bố liên kết với đảng Lao động người Kurd (PKK) ở trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, Mỹ đồng lõa với YPG trong các cuộc tấn công của các nhóm này trên lãnh thổ của họ.
Trên mặt trận chính trị, Tổng thống Erdogan liên tục cáo buộc Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính bất thành năm 2016 nhằm lật đổ chính quyền của ông. Những kẻ đứng đầu cuộc đảo chính được cho là có liên hệ với mạng lưới của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang định cư tại Mỹ.
THANH VĂN