Báo Công An Đà Nẵng

Kịch độc Ch’pơơr và những huyền thoại của người Cơ Tu

Thứ năm, 06/01/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Bên bếp lửa nhà Gươl ở thôn văn hóa Bhơơ Hồng 1 (Đông Giang, Quảng Nam), một đêm mùa đông giá lạnh, già làng Bríu P’răm đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về kịch độc Ch’pơơr - loại kịch độc làm nên huyền thoại của người Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Huyền thoại vì Ch’pơơr - thứ vũ khí nhỏ bé nhưng vô cùng lợi hại giúp người Cơ Tu không chỉ chế ngự những loài thú dữ, mà còn giúp những người con Cơ Tu đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ…

Ch’pơơr- kết tinh bí truyền

Ngôi nhà Gươl càng thêm huyền ảo dưới ánh lửa bập bùng trong lời kể lúc trầm lúc bổng của già Bríu P’răm. Một ít mật ong rừng được mang ra để tiếp đãi  những vị khách quý dưới xuôi. Già làng Bríu P’răm, nguyên Chủ tịch UBND H. Đông Giang, nguyên Đại biểu Quốc hội từ khóa VI - VIII, đồng thời là “từ điển sống” về văn hóa người Cơ Tu kể: “Loại kịch độc Ch’pơơr là kết tinh của cả một quá trình sáng tạo của tổ tiên người Cơ Tu. Vậy nên chỉ những người có uy tín và có tài săn bắn mới được tin tưởng truyền lại công thức chế tạo”.

Cho chúng tôi xem một mũi tên lấy từ chiếc ống tên bằng lồ ô đã bóng lên vì thời gian, già làng Bríu P’răm chỉ vào đầu tên được gắn 1 mẩu sắt nhỏ có  tẩm một ít mủ đen ở đầu và bảo đó là chất kịch độc Ch’pơơr. Ông nói: “Con nai, con sóc đến con cọp, con gấu, chỉ cần bị chất độc này dính vào thì không để sống được quá 5 phút. Rắn độc cắn, bác sĩ dưới xuôi còn chữa được, chứ cái này thì không ai chữa được đâu”.

Già làng Bríu P’răm kể về huyền thoại kịch độc Ch’pơơr. 

Trông thì đơn giản, bởi Ch’pơơr mà chúng tôi được xem chỉ là một vết nhựa màu xỉn ở đầu mũi tên, nhưng công thức để chế tác loại kịch độc này là cả một sự sáng tạo kỳ diệu của người Cơ Tu. Tùy vào từng người có thể “thêm thắt” thêm một số chất liệu như nọc rắn, bồ hóng ở bếp hay mủ cây sơn..., nhưng điều quan trọng nhất của Ch’pơơr là một loại mủ lấy từ cuống lá của một loại cây đặc biệt (chứ không phải phần gốc hay phần thân như một số người từng nói). Loại cây ấy thường mọc ở đầu nguồn những con thác, rất hiểm trở. Và chỉ có những người được “làm phép” mới có thể lấy được mủ để làm Ch’pơơr. Mủ cây được chứa trong một chiếc lá, rồi sau một quá trình thêm thắt các nguyên vật liệu, nấu kỹ, đem phơi sương, sau đó lại được cô đặc lại bằng một loạt các thao tác khác, mất gần 2 ngày mới có thể làm được Ch’pơơr. Loại kịch độc này, chủ yếu được dùng để phết lên đầu mũi tên để đi săn.

“Bây giờ có một số ít người già Cơ Tu biết làm Ch’pơơr. Cũng bởi vì người Cơ Tu không còn đi săn như xưa nữa, và vì các cuộc giao tranh, chiến đấu cũng không còn”- già làng Bríu P'răm cho biết.

Huyền thoại về ch'pơơr

Sinh sống giữa núi rừng, vậy nên từ xa xưa người Cơ Tu phải học cách chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Già Bríu P'răm kể: “Ngày ấy, thú dữ còn nhiều lắm. Đồng bào ngủ ở nhà Gươl còn thấy cọp về tận bản, bắt trâu, bắt bò. Thế nên, tổ tiên người Cơ Tu đã tìm mọi cách để sống và tồn tại bằng cách đánh đuổi thú dữ. Kịch độc Ch’pơơr đã giúp người Cơ Tu tự vệ và săn bắn thú làm nguồn thức ăn cho dân bản”.

Cũng vì sức mạnh phi thường của loại kịch độc này mà ở vùng cao Đông Giang này còn lưu truyền rất nhiều huyền thoại. Ngày xưa, người Cơ Tu chủ yếu đi săn bằng pa’nanh (tức nỏ) hoặc pr’loh (một loại ống thổi tên – P.V). Pa’nanh được dùng để săn thú, còn pr’loh chủ yếu để săn chim, sóc. Nhưng chúng có điểm chung là sử dụng Ch’pơơr để tẩm vào đầu mũi tên. Ngày xưa, có không ít thanh niên hạ cả một con gấu chỉ bằng một mũi tên có tẩm Ch’pơơr. Trong các cuộc giao tranh giữa các buôn làng ngày xưa, Ch’pơơr cũng là một vũ khí mà ai cũng khiếp sợ. Buôn làng nào sở hữu kịch độc Ch’pơơr là coi như nắm chắc phần thắng, không sợ bất cứ thế lực nào xâm phạm làng bản của mình”- già làng Bríu P’răm cho biết.

Không những giúp săn bắn, tự vệ, mà Ch’pơơr còn làm nên những chiến thắng lẫy lừng của người Cơ Tu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó, phải kể đến Anh hùng C’lâu Nâm - người dũng sĩ diệt Mỹ không cần súng giữa đại ngàn Trường Sơn. Lặn lội đến tận xã Lăng, huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam, chúng tôi tìm gặp già C’lâu Nâm để nghe chính ông kể về những chiến công của mình nhờ loại kịch độc mà cha ông đã dày công sáng chế. Trong căn nhà treo rất nhiều Bằng khen, giấy khen, cựu chiến binh C’lâu Nâm, dù đã ngoài 80 tuổi, vẫn quắc thước, rắn rỏi, tươi cười kể về những trận đánh giặc bằng kịch độc Ch’pơơr. C’lâu Nâm trở thành một tay thợ săn có tiếng từ lúc mới 13 tuổi, cũng vì nhờ khả năng sử dụng thành thạo pa’nanh mà ông được tin tưởng truyền lại cách chế Ch’pơơr. Ngày đó cũng là ngày giặc Mỹ kéo quân giày xéo quê hương ông, vậy là những mũi tên tẩm Ch’pơơr đã trở thành thứ vũ khí ông luôn mang bên mình.

“Tháng 12 -1960, địch đi càn tại BhaNân, thôn Alanh, xã Mà Cooi. Chúng hành quân từ bến Hiên lên đến đồn Kà Xah. Tiểu đội 9 người của tôi do đồng chí Bnướch Ríp chỉ huy phục kích, dùng nỏ, ná, cắm chông... để chặn đánh giặc. Tôi dùng nỏ bắn mũi tên tẩm Ch’pơơr hạ ngay tên địch đầu tiên... Trận đó, chúng tôi tiêu diệt 39 tên, làm bị thương 6 tên mà không có một tiếng súng. Đó cũng là trận đầu tiên chúng tôi giết giặc bằng mũi tên tẩm Ch’pơơr”, già làng C’lâu Nâm kể lại trong niềm tự hào.

Nhưng trận đánh đáng nhớ nhất của ông là trận đánh thôn Pơ Jương thuộc xã Cà Dăng tháng 2-1964. Ngày 17-2-1964, một mình C'lâu Nâm, với cây nỏ và bó tên tẩm kịch độc bên người, đột kích tiêu diệt 2 tên địch trong đồn, cướp súng, phá vỡ điện đàm của chúng. Sau đó, ông tiếp tục hạ thêm 15 tên khác ở thôn Men, xã Cà Dăng...

Đưa cho chúng tôi xem cánh nỏ và ống tên đã lên bóng, già làng C’lâu Nâm tự hào cho biết, đây là cây nỏ đã theo ông từ trận đầu đánh Mỹ. “Nhờ nó mà tôi hạ được cả trăm tên giặc”, ông cười.

Chia tay núi rừng Đông Giang huyền thoại, chúng tôi nhớ mãi lời nói của già làng Bríu P'răm: “Bây giờ không còn thú dữ nữa, cũng không còn những cuộc giao tranh hay chiến đấu, nhưng đồng bào Cơ Tu vẫn gìn giữ bí quyết chế tác Ch’pơơr như một niềm trân trọng với tổ tiên. Bởi đó là di sản quý báu mà tổ tiên để lại. Người Cơ Tu mãi tự hào về Ch’pơơr, bởi nó đã làm nên sức mạnh kiên cường của những người con của núi”.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành Công