Kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần tại Quảng Nam và Đà Nẵng
Ngày 26-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn, Viện Vật lý địa cầu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức diễn tập ứng phó với tình huống động đất ở Philippines gây ra sóng thần tại Việt Nam. Theo kịch bản giả định, một trận động đất xảy ra ở khu vực máng biển sâu Manila (Phillipines) vào lúc 8 giờ 30 giờ Việt Nam với cấp độ 9, có chấn tâm nằm ở tọa độ 119.0 độ kinh đông và 17 độ vĩ bắc, độ sâu chấn tiêu là 23,2 km dự báo sẽ gây ra sóng thần cao từ 1 - 7 m. Sau 2 giờ, vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi sẽ có sóng thần tấn công với độ cao con sóng trên 5m.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng các đơn vị chức năng đã kích hoạt hệ thống quan trắc cảnh báo sóng thần đã được lắp đặt tại các địa phương ven biển của Đà Nẵng và Quảng Nam. Hệ thống cho phép cập nhật trực tiếp hình ảnh từ hiện trường, đồng thời phát cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân bằng còi, loa phóng thanh để lên phương án ứng phó. Theo ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đây là hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Qua diễn tập, hệ thống đáp ứng yêu cầu việc quan trắc, truyền tín hiệu nhanh và kịp thời đến cơ quan chức năng làm căn cứ ra các quyết định triển khai ứng phó.
Ông Hoài cũng cho biết, trong 21 hình thái thiên tai tại Việt Nam thì chỉ còn duy nhất sóng thần chưa xuất hiện. Theo cảnh báo từ các cơ quan quan trắc động đất sóng thần trong nước và quốc tế, hoạt động địa chất ở máng biển sâu Manila hiện rất phức tạp. Nếu có động đất thì bờ biển các tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ là khu vực có sóng thần tấn công nên đây là những địa phương đầu tiên được triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo. Trong đó Đà Nẵng được lắp đặt 30 trạm, Quảng Nam 21 trạm.
Theo ông Phạm Hồng Thanh - Giám đốc dự án Hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu, đây là chương trình khoa học công nghệ hiện đại do Tập đoàn Viettel phát triển và cung cấp, đưa vào sử dụng nhằm khai thác cảnh báo sóng thần để giảm thiểu thiệt hại. Hệ thống cảnh báo gồm các thiết bị: Hệ thống loa để phát còi và âm thanh bằng giọng nói (phát xa tối đa 1 - 2 km tùy theo điều kiện thời tiết); hệ thống đèn cảnh báo 5 màu (theo 5 cấp độ rủi ro thiên tai). Sau khi thí điểm tại Đà Nẵng, các cơ quan liên quan sẽ trang bị hệ thống quan trắc cảnh báo sóng thần cho tất cả các địa phương ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu.
CÔNG KHANH