Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ, TCCN Việt Nam: Xu thế tất yếu để hội nhập quốc tế
(Cadn.com.vn) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa trao quyết định thành lập, cấp phép hoạt động và bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD)– ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) cho PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐHĐN. Đây là Trung tâm KĐCLGD thứ 3 trong số 4 trung tâm của cả nước hiện nay với sứ mạng kiểm định, tư vấn nâng cao chất lượng GD cho các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn kiểm định của Việt Nam và quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự ra đời của các Trung tâm KĐCLGD nói chung, Trung tâm KĐCLGD ĐHĐN nói riêng là tất yếu.
Giám đốc TTKĐCLGD ĐHĐN và các trường ĐH trong cả nước tham gia chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác. |
Xu thế tất yếu
Đối với trường ĐH, CĐ trên thế giới, KĐCLGD đã được áp dụng từ lâu. Tại Việt Nam, công tác này không phải là quá mới, đã được Bộ GD-ĐT đề cập từ năm 2004 với những quy định đầu tiên về KĐCL trường ĐH... KĐCLGD là căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH), vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH.
* Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, sắp tới (năm 2017), Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành tiêu chí Bộ kiểm định các chương trình đào tạo. Được biết, hiện cả nước có hơn 3.000 chương trình đào tạo đang đào tạo ở các trường, nhưng mới chỉ có 61 chương trình đào tạo đã được kiểm định với các đơn vị kiểm định quốc tế. Hiện cũng mới chỉ có 5 trường ĐH được kiểm định trong số 250 trường ĐH, 450 trường CĐ trong cả nước. |
Theo quy định chung, các cơ sở GDĐH đều phải có bộ phận phụ trách công tác đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD). Hằng năm đều phải thực hiện tự đánh giá (đánh giá trong) để chuẩn bị các bước sẵn sàng cho việc KĐCLGD... Cũng theo các nhà quản lý GD, từ khi Bộ GD-ĐT triển khai công tác KĐCLGD, các cơ sở GDĐH trong cả nước đã tiến hành công tác đánh giá trong để làm cơ sở cho việc đánh giá ngoài, KĐCLGD. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, số lượng các trường ĐH, CĐ, TCCN tham gia công tác KĐCLGD chưa nhiều.
Riêng tại ĐHĐN, GS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN cho biết: “Trong thời gian qua, ĐHĐN đã không ngừng tự hoàn thiện hệ thống ĐBCL bên trong, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác ĐBCLGD. Đến nay, ĐHĐN đã có 26 cán bộ có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên (KĐV) KĐCLGDĐH và TCCN, trong đó có 12 cán bộ có thẻ KĐV, 11 cán bộ có chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA do Ban Thư ký AUN cấp (chuẩn KĐCL dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN), nhiều cán bộ tham gia và hoàn thành các khóa tập huấn xây dựng và phát triển chương trình đào theo CDIO, ABET...”.
Cũng theo GS-TS Trần Văn Nam, trong năm 2015, các trường ĐH thành viên thuộc ĐHĐN đã hoàn thành việc tự đánh giá và đang chờ thẩm định để đánh giá ngoài. Trường ĐHSP là trường ĐH đầu tiên trong cả nước được đánh giá bởi một Trung tâm KĐCLGD độc lập. Bên cạnh việc đăng ký tham gia đánh giá ngoài, qua tìm hiểu được biết, hiện một số trường ĐH thành viên của ĐHĐN đã, đang tiến hành kiểm định một số chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế. Đơn cử như các chương trình Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện (PFIEV) của trường ĐH Bách khoa (ĐHĐN) đã được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn Châu Âu EUR-ACE, bởi tổ chức kiểm định độc lập CTI (Commission des Titres d’Ingénieur) của Pháp. Theo nguyên tắc, SV tốt nghiệp các chương trình này có thể làm việc tại Châu Âu...
Phát biểu tại buổi trao quyết định thành lập Trung tâm KĐCLGD ĐHĐN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong bối cảnh công khai chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế như hiện nay, việc KĐCLGD vô cùng quan trọng, nếu không nói là vấn đề sống còn. Theo đó, nếu “các trường không KĐCLGD thì khó mà tồn tại được vì người học, nhà tuyển dụng sẽ quay lưng với chương trình đào tạo cũng như sản phẩm đào tạo của trường. Chính vì vậy, KĐCLGD vừa là quyền lợi của nhà trường, vừa là yêu cầu bức bách của sự đổi mới của ngành”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, cả nước hiện có 203 học viện, trường ĐH, 207 trường CĐ và 142 trường TCCN đã hoàn thành việc đánh giá trong. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện đánh giá ngoài và KĐCLGD.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao các quyết định cho PGS-TS Đoàn Quang Vinh - Giám đốc TTKĐCLGD ĐHĐN. |
Vai trò của Trung tâm KĐCLGD- ĐHĐN
Cùng với các Trung tâm đã có quyết định thành lập trước đó, Trung tâm KĐCLGD - ĐHĐN có các nhiệm vụ, sứ mạng sau đây: Tổ chức các hoạt động KĐCLGD cho các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và các chương trình giáo dục của các trường ĐH, CĐ, TCCN; Cung cấp các dịch vụ tư vấn thực hiện cải tiến chất lượng sau KĐCLGD cho cơ sở giáo dục; triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ ĐBCL của cơ sở GDĐH, TCCN và đội ngũ KĐV; tư vấn, tập huấn nâng cao hệ thống ĐBCL bên trong của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và TCCN để đáp ứng các tiêu chuẩn KĐCL cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục; thực hiện các dự án, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo đánh giá chất lượng. Đồng thời thiết lập quan hệ và tham gia các tổ chức KĐCLGD của khu vực và quốc tế.
Với quy định chu kỳ 5 năm phải tiến hành kiểm định lại chất lượng, cùng với 250 trường ĐH, 450 trường CĐ hiện có trong cả nước, có thể nói, sự ra đời Trung tâm KĐCLGD ĐHĐN tại khu vực miền Trung sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho 2 trung tâm ở hai đầu đất nước (1 thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội, 1 thuộc ĐH Quốc gia TPHCM). Với trọng trách “cầm cân nảy mực”, yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu tối thượng của những người làm công tác KĐCLGD phải thật sự công minh, công bằng, khách quan. Bởi nếu không cẩn trọng, công tâm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các cơ sở đào tạo...
Có lẽ cũng vì những lý do đó, đồng thời nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các Trung tâm KĐCLGD, nên thời gian cấp phép hoạt động của mỗi trung tâm được giới hạn trong 5 năm. Sau 5 năm hoạt động, các trung tâm này sẽ được đánh giá lại. “Nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và uy tín trong hoạt động, sẽ tiếp tục được cấp phép. Chính vì vậy, các trung tâm kiểm định chất lượng cần lưu ý sự cầm cân nảy mực của mình phải công minh; kết quả kiểm định phải được xã hội, nhà tuyển dụng, người học và các trường ĐH, CĐ, TCCN thừa nhận mới có thể tồn tại được”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
P.Thủy