Báo Công An Đà Nẵng

Kiểm soát được lợi ích nhóm trong các văn bản pháp luật

Thứ ba, 20/08/2013 23:13

* CÒN NHIỀU ĐIỂM NÓNG VỀ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với  Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, điểm cầu Đà Nẵng do đồng chí Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì.

Kiểm soát lợi ích nhóm

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì so với các nhiệm kỳ trước, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị về chương trình của Chính phủ. Đối với các dự án lớn, phức tạp, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị về những định hướng lớn, các nội dung phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau để trình Chính Phủ, Thường trực Chính phủ thảo luận cho ý kiến trước, đảm bảo việc soạn thảo đi đúng hướng. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII và 3 chương trình hàng năm gồm 144 dự án, trong đó Chính phủ được giao trình 133 dự án. Tính đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội, UBTVQH đã thông qua 46 văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu và giúp Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Về thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Bộ Tư pháp đã thẩm định 426 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có 257 nghị định của Chính phủ, 169 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về công tác  kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 1.680 văn bản, qua kiểm tra phát hiện 172 văn bản có dấu hiệu vi phạm về các vấn đề như: thẩm quyền, nội dung, hiệu lực, sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày...

Trả lời câu hỏi của đại biểu về biện pháp ngăn chặn việc xây dựng luật phục vụ lợi ích nhóm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật  rất đầy đủ, chặt chẽ, kiểm soát qua nhiều tầng lớp, từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến Nghị định của Chính phủ, pháp lệnh có quy trình rất chặt chẽ. Vì vậy, nếu nói lợi ích nhóm/tham nhũng pháp luật từ văn bản pháp luật được kiểm soát, nhưng không loại trừ những quy định có sơ hở. Về tiến độ nhiều dự án luật còn chậm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường  cho biết nguyên nhân là có những dự án luật chuyên sâu hoặc có nhiều đề nghị sửa đổi, bổ sung cần phải chờ tổng kết nên thời gian kéo dài...

Còn nhiều điểm nóng về tài nguyên - môi trường

Buổi chiều, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Tính đến ngày 30-6-2013, cả nước đã cấp được 36.000 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp GCNQSDĐ của cả nước, đã có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính. Tuy nhiên, kết quả cấp GCNQSDĐ của cả nước trong 6 tháng qua vẫn còn đạt thấp (đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch năm 2013), các nguyên nhân chủ yếu là: không có giấy tờ hợp lệ; nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai; mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công...

Về tình trạng sử dụng đất lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Tính đến ngày 30-6-2013, cả nước có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 ha. Các địa phương đã xử lý thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.771 ha; đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha. Một số địa phương đã triển khai tốt như: tỉnh Long An thu hồi chủ trương, xóa quy hoạch đối với 28 dự án, tổng diện tích 3.915 ha; tỉnh Hậu Giang thu hồi 56 dự án với tổng diện tích 971 ha; tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi 26 dự án, tổng diện tích đất 46 ha; TP Hồ Chí Minh thu hồi 7 dự án, tổng diện tích đất 49ha; tỉnh Kiên Giang thu hồi 2 dự án; tỉnh Hà Nam xử lý thu hồi 2 dự án; tỉnh Đắc Lắc thu hồi 18 dự án...

Về xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai, Bộ trưởng  Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, giải quyết 28 vụ việc, trong đó xác định 17 vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, 9 vụ việc cần xem xét, hỗ trợ bằng các hình thức khác.

Về hoạt động khai thác vàng, cát, khoáng sản trái phép, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết có tới 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhiều nhất là vàng, phổ biến tại một số địa phương: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai. Cát sỏi lòng sông cũng bị khai thác trái phép tại 31/ 63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại khoáng sản cũng bị khai thác trái phép như mangan, quặng sắt, quặng titan,  quặng thiếc... với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau (đào ao, trồng rừng, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng...). Các địa phương đã phát hiện và xử lý 467 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 13,4 tỷ đồng; thu hồi 27 Giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với các địa phương có điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, Bộ đã chỉ đạo xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương xảy ra khai thác khoáng sản trái phép,  gắn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với người đứng đầu các cấp chính quyền tại địa phương. Về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường: Từ năm 2003 đến đầu năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, thẩm định 160 báo cáo tác động môi trường của các dự án khai thác khoáng sản và 60 dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải ký quỹ trên 700 tỷ đồng;  39 tỉnh, thành phố có  trên 1.367 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 715 tỷ đồng được phê duyệt. Việc kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý vi phạm được phối hợp thực hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản. Thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện chặt chẽ hơn công tác thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; xử lý nghiêm đối với các hành vi gây tổn thất lớn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của các cấp và  tăng cường năng lực cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên môi trường cấp cơ sở.

K.Thanh (tổng hợp)