Kiểm soát nguồn phóng xạ vô chủ sao cho hiệu quả?
Đó cũng chính là chủ đề của Hội thảo do Sở KH&CN TP Đà Nẵng tổ chức vào sáng 24-10 nhằm đánh giá thực trạng bảo đảm an toàn bức xạ với nguồn phóng xạ (NPX) vô chủ cùng với các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nguồn vô chủ trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Ông Huỳnh Văn Ngộ-Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 12 cơ sở sử dụng NPX với 28 NPX các loại. Các cơ sở này hiện đang làm tốt công tác đảm bảo an toàn và an ninh NPX. Tuy nhiên, ông Ngộ cũng cho rằng: “Chúng ta cũng không chủ quan với tình hình hiện tại bởi kinh nghiệm cho thấy luôn có những sự cố vượt ra ngoài sự dự đoán của mọi người. Bởi lẽ, bên cạnh đó còn có khoảng 220 cơ sở thu gom phế liệu nhỏ, 3 cơ sở tái chế sắt thép phế liệu trên địa bàn thành phố sử dụng 500.000 tấn phế liệu/năm, trong đó nhập khẩu chiếm 80%, còn lại 20% nhập từ các nguồn trôi nổi trong nước. Đây là những cơ sở có tiềm năng tiếp xúc NPX vô chủ hoặc vật liệu nhiễm bẩn phóng xạ trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải- Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, tính đến tháng 4-2017, trên toàn quốc có khoảng 600 cơ sở sử dụng/lưu giữ NPX, với tổng số gần 1.800 NPX đã qua sử dụng, phần lớn là các NPX từ các cơ sở chụp ảnh phóng xạ, các nhà máy công nghiệp có hệ thống đo điều khiển tự động, các thiết bị xạ trị hết hạn sử dụng, thiết bị đo độ chặt, độ ẩm nền đường... Các NPX này mặc dù không còn sử dụng trong các ứng dụng, nhưng vẫn có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và môi trường nếu không được quản lý, đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh NPX.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải cho biết, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 216, trên cả nước đã xảy ra 3 vụ việc mất NPX tại 3 cơ sở: Cty TNHH Apave Châu Á Thái Bình Dương (TPHCM); Nhà máy luyện phôi thép - CN Cty CP thép Pomina 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cty CP Xi-măng Bắc Kạn DATC (Bắc Kạn) và 1 vụ việc mất an ninh nguồn phóng xạ tại Cty Xi măng Cầu Đước (Nghệ An). Đến hết tháng 5-2017, Cục An toàn bức xạ hạt nhân đã phối hợp làm thủ tục thu gom được 33/39 NPX được giao; cho phép cơ sở tự lưu giữ 2 nguồn và vẫn đang tiếp tục triển khai thu gom 6 nguồn còn lại.
Đề cập đến Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN TP Đà Nẵng cho biết: UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định thành lập BCĐ ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp TP với nhiều kịch bản khác nhau và đã tổ chức diễn tập theo các kịch bản đã được phê duyệt. Tuy vậy, ông Anh cũng đề nghị, cần có cơ chế liên kết ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp vùng để hỗ trợ lẫn nhau; có văn bản quy định rõ hơn hoạt động quan trắc phóng xạ môi trường hàng năm; hỗ trợ cho các địa phương xây dựng trạm quan trắc phóng xạ môi trường; có văn bản hướng dẫn rõ hơn trong công tác đảm bảo an toàn phóng xạ đối với phế liệu nhập khẩu, tái chế phế liệu.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Phúc-Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP khi đề cập đến tình hình nhập khẩu phế liệu vào Đà Nẵng đã tỏ ra băn khoăn khi cho rằng: “Với khối lượng các lô hàng nhập khẩu lớn, nhất là các lô hàng rời vận chuyển bằng tàu (từ 5.000 tấn trở lên) việc lấy mẫu đánh giá (nếu có) cũng không thể đánh giá được chính xác chất lượng phế liệu nhập khẩu”.
Ông Nguyễn Tấn Cường-Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng nhìn nhận, trong thời gian qua, công tác quản lý đối với hàng hóa nói chung và phế liệu nói riêng nhập khẩu tại Cảng Đà Nẵng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát sinh vụ việc nhập khẩu hàng hóa có chất phóng xạ hoặc có nồng độ phóng xạ vượt ngưỡng cho phép. “Tuy nhiên, cơ quan Hải quan cũng chuẩn bị các phương án phối hợp xử lý đối với trường hợp kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại cửa khẩu để xử lý hiệu quả nhất, hạn chế những thiệt hại đến mức thấp nhất”-ông Cường khẳng định.
PHƯƠNG KIẾM