Báo Công An Đà Nẵng

Kiếm tiền trực tuyến, xu hướng kinh doanh thời 4.0

Thứ tư, 01/01/2020 17:08

Kinh doanh thời 4.0 phải nói đến đầu tiên là khái niệm MMO (Make Money Online: Kiếm tiền trực tuyến). MMO nổi tiếng với hàng loạt sóng (trend) khác nhau trong vài năm trở lại đây như đầu tư thị trường (ngoại hối, tiền điện tử), buôn bán trực tuyến thông qua các website  (amazon, facebook, lazada, sendo, facebook...) hay nổi nhất trong thời gian gần đây là livestream (phát trực tiếp), làm phim trên youtube. Hầu hết các sóng chỉ tồn tại được một thời gian rồi bắt đầu bão hòa khi thị trường có nhiều người tham gia dần vào thị trường hoặc chỉ là sự đầu cơ nhất thời của các cá nhân, các tổ chức tài chính lớn. Tuy nhiên, sự tồn tại của kinh doanh thông qua mạng internet “dai dẳng” trường tồn khá lâu, ổn định là sử dụng các trang mạng, các mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm.

Muốn có thu nhập tốt từ nghề vận đơn, phải biết tránh các bẫy cũng như khéo léo kết hợp các đơn hàng có cùng tuyến đường.

Chị Huyền (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) là một trong những người sử dụng mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm thịt heo quê. Sản phẩm thịt chị nhập từ quê với giá 140.000 đồng/kg rồi bán giá chênh lệch là 160.000 đồng/kg, bao gồm cả phí vận chuyển đến cho khách hàng. Hầu hết khách hàng quen bao giờ cũng mua vài kg nên thường một chuyến hàng lẻ của chị lợi nhuận thu lại tầm 50.000 đồng cho đến vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Một trường hợp khác là chị Hoa (H.Hòa Vang, Đà Nẵng) lại kinh doanh rất thông minh. Vì không có nguồn vốn nhiều, chị lên các trang mạng kinh doanh lớn như lazada, sendo... lựa chọn các sản phẩm ưng ý với giá cả vừa phải, sau đó chị liên lạc với các chủ cửa hàng đó để liên kết bán sản phẩm, ăn lợi nhuận trên các sản phẩm bán ra. Tuy lợi nhuận bán ra trên mỗi sản phẩm không nhiều nhưng cũng trang trải một phần chi phí hằng ngày. Các sản phẩm khi tung lên trang mạng cá nhân của chị đã thu hút được rất nhiều người quen đến lựa chọn, xem hàng và mua. Công việc kinh doanh này trong giới kinh doanh mạng gọi là dropship (tạm dịch là bốc thả). Điều đáng nói ở đây là hai kiểu kinh doanh hay gặp phải đó là nguồn hàng không đảm bảo, gây nên mất niềm tin cho khách hàng, thường là bạn bè, từ đó vì một món nhỏ mất đi những người bạn thân tình lâu năm. Chính vì vậy, người bán phải kiểm tra, đảm bảo nguồn hàng mình nhận vào, bán ra, phản hồi của người dùng nếu không sẽ vì một cái nhỏ mà thành “bán danh ba đồng”. Tiếp đến một nỗi lo lớn nhất của những người kinh doanh kiểu này là “bùng hàng”. Nguồn vốn nhỏ lẻ, nhập hàng về theo yêu cầu của khách hàng, đến khi giao cho khách hàng, khách hàng mở ra lại cho rằng hàng không đảm bảo, không nhận là người bán xác định “ôm hàng” đợi xả hoặc tự dùng.

Trong 1 năm trở lại đây, miếng hàng béo bở của thị trường vận chuyển lại một lần nữa rung chuyển khi xuất hiện 2 ứng dụng grab và uber xâm lấn vào thị trường Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Việc xâm nhập thị trường Đà Nẵng hiện giờ chỉ còn lại ứng dụng grab sau hàng loạt các vụ tranh tụng. Grab khi mới đưa vào tạo nên sự cạnh tranh rất quyết liệt với thị trường taxi nhưng điều tác giả muốn đề cập đến nó là chính là các shipper (tạm dịch người vận chuyển). Hầu hết là các bạn sinh viên tham gia vào nghề xe ôm công nghệ này. Lương cao hơn công việc partime (bán thời gian) thông thường, thay đổi linh hoạt lại không chịu áp lực từ lãnh đạo. Chính vì nguồn thu nhập tốt như vậy nên nhiều bạn đã bỏ cả học chạy theo những cuốc xe ngoài đường. Mỗi đơn hàng sẽ nhận được khoảng 5.000 đồng tùy theo quãng đường mà tăng thêm nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên nếu khéo léo ghép đơn trên các lộ trình thì “người vận chuyển” có thể chuyển được vài chục đơn đến cả trăm đơn trên một ngày là chuyện bình thường. Như vậy, thu nhập tạm tính của một “người vận chuyển” có thể dao động tối thiểu từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/ tháng. Nhưng để được nhận hàng, các shipper phải ứng trước cho chủ hàng số tiền có giá trị tương đương, vậy nên rủi ro bị khách hàng “bỏ bom” (không nhận hàng) hay khai khống giá trị hàng là rất cao. Anh N.B (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) hiện đang làm “người vận chuyển” tại khu vực Q.Hải Châu, Đà Nẵng cho biết: mỗi khi nhận đơn hàng online, phải cực kỳ cẩn thận, phải điều tra kỹ thông tin trang cá nhân của chủ hàng. Hình thức lừa đảo chính là: đưa hàng không đúng giá trị sau đó quỵt tiền ứng và kẹp hàng cấm vào túi hàng. Cả hai cách lừa này đều rất nguy hiểm, thấy trường hợp nào nghi ngờ là phải  từ chối luôn, không thấy lợi nhuận trước mắt mà làm liều. Không những thế vì luôn lang thang trên những tuyến đường nên việc xảy ra tai nạn do áp lực giao hàng đúng giờ luôn rình rập “người vận chuyển”.

Có cung ắt có cầu đó luôn là quy luật và internet đã khai thác triệt để sự “nôn nóng” của con người, mong muốn cái gì cũng phải nhanh chóng, sống “vội”. Chính điều đó, hàng loạt những cách kiếm tiền trực tuyến đã ra đời như một quy luật tất yếu. Nhưng để sống hay là kiếm ít nhiều theo “sóng” (trend) thì đòi hỏi người tham gia phải cực kỳ tỉnh táo để không phải sa vào những bẫy lừa, bởi mọi tờ tiền đều có hai mặt của nó.

LÊ ANH TUẤN