Kiểm tra khu vực rừng pơ mu bị khai thác
(Cadn.com.vn) - Trước thông tin xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hoạt thuộc bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch, H. Quế Phong (Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo CA tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra để xác minh làm rõ. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm CA, VKSND tỉnh, Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm (KL), CAH Quế Phong, Hạt KL H. Quế Phong, BQL KBTTN Pù Hoạt và chính quyền xã Hạnh Dịch thực địa tại Tiểu khu 60 để kiểm tra, đo đếm các cây gỗ pơ mu bị khai thác trái phép.
Kiểm tra một gốc cây mới bị đốn hạ. |
Sẽ xử lý nghiêm
Ngày 11-8, Thượng tá Hoàng Trọng Đống - Điều tra viên cao cấp, Đội phó Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành vừa có cuộc họp đánh giá về việc liên quan đến tình trạng chặt phá rừng pơ mu tại khoảnh 10 và 11, Tiểu khu 60 KBTTN Pù Hoạt thuộc bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch, H. Quế Phong mà đoàn vừa thực địa.
Theo đó, kết quả kiểm tra có 8 gốc, thân cây bị chặt, trong đó có 3 cây pơ mu mới bị chặt khoảng hơn 1 tháng, 5 gốc cây khác bị ngã đổ khoảng thời gian hơn 10 năm được khai thác lại, dấu vết vẫn còn mới. “3 cây bị chặt mới gồm có gốc số 1 già cỗi, rỗng ruột, đường kính tương đối lớn; gốc cây thứ hai sau khi chặt thì thớ gỗ đó cho thấy cây chết đứng. Gốc cây số 6 có đường kính 32cm. Kiểm tra tại hiện trường khoảng cách gốc cây và thân cây số 6 người khai thác lấy được một đoạn gỗ của thân cây này gần 3m, còn hơn 2m chưa vận chuyển về” - Thượng tá Đống thông tin.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cây gỗ cũ được khai thác lại. |
Sau khi kiểm tra xác định vị trí số cây gỗ pơ mu bị chặt hạ, khai thác, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu gỗ để giám định và đo đếm số lượng gỗ vận chuyển khỏi hiện trường. “Mặc dù số gỗ bị đốn hạ qua kiểm tra rất ít, nhưng theo quan điểm của CQĐT và đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh là sẽ xác định cụ thể khối lượng, độ tuổi, giá trị sử dụng để có căn cứ xử lý, tránh tình trạng để một số đối tượng lợi dụng sự việc tạo dư luận không tốt” - Thượng tá Hoàng Trọng Đống nói.
Trả lời câu hỏi trước thông tin báo chí đăng tải cho thấy hình ảnh lâm tặc vác gỗ, những tấm gỗ xẻ đã được đưa ra rừng thì số gỗ này đã đi về đâu? Thượng tá Đống cho rằng đây là một căn cứ, tài liệu giúp CQĐT điều tra, làm rõ xác định ai là người mang vác vận chuyển gỗ ra khỏi cửa rừng, có hay không việc cán bộ KL tiếp tay cho lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. “Quan điểm của CQĐT là khi có tài liệu chứng cứ đầy đủ sẽ khởi tố, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm” - Thượng tá Đống khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc này, đoàn công tác liên ngành đã có kết luận sơ bộ về hiện tượng phá rừng tại địa bàn xã Hạnh Dịch, thuộc KBTTN Pù Hoạt là có cơ sở. Tuy nhiên, qua kiểm tra của đoàn công tác liên ngành thì mức độ chặt phá, khối lượng gỗ và đối tượng tham gia chưa đúng với thực tế như một số phương tiện truyền thông đã đề cập. Được biết, thông tin toàn bộ vụ việc sẽ được UBND tỉnh Nghệ An công bố vào ngày 16-8.
Những thân cây cũ được khai thác lại. |
Thị sát “điểm nóng”
Trước đó, sáng 10-8, Thượng tá Hoàng Trọng Đống dẫn đầu đoàn công tác liên ngành đã vào hiện trường vụ chặt phá rừng để kiểm tra. Sau hơn 5 giờ đồng hồ đi bộ với khoảng 10km đường rừng dốc dựng đứng, trơn trượt, đoàn đã tiếp cận được khu vực rừng gỗ pơ mu có dấu hiệu bị lâm tặc khai thác tại Tiểu khu 60 giáp với biên giới Việt-Lào, nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Đây là rừng nguyên sinh, cây to, gỗ lớn còn rất nhiều, vì vậy, đoàn liên ngành phải mở rộng công tác kiểm tra toàn khu vực có dấu tích cây rừng bị đốn hạ. Qua kiểm đếm, đoàn đã xác định ngoài 5 gốc cây pơ mu được cho là gãy đổ từ trước có dấu hiệu bị khai thác lại với dấu vết dùng cưa xăng còn mới, thì có 3 gốc cây pơ mu mới bị đốn hạ cách đây khoảng hơn 1 tháng. Đoàn đã tiến hành đo dấu vết, theo đó, 1 gốc pơ mu có đường kính 92cm, nhưng rỗng ruột bên trong 67cm; 1 cây chết được khai thác, gỗ lấy đi không nhiều và 1 gốc có đường kính 30cm. Phần lớn các thân cây pơ mu này đều đã được xẻ thành nhiều tấm, được vận chuyển ra khỏi hiện trường chỉ còn lại cành cây và lá. Bên cạnh những gốc cây pơ mu mới được khai thác vẫn còn có lán và can đựng xăng của các đối tượng lâm tặc để lại.
Theo một cán bộ KL tại hiện trường, các cây pơ mu này đều có tuổi đời hàng chục năm, có giá trị kinh tế cao và nằm ở địa hình núi cao, hiểm trở, nằm giáp với biên giới Việt - Lào. Việc vận chuyển gỗ pơ mu ở đây ra khỏi rừng là rất khó khăn.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc BQL KBTTN Pù Hoạt cho biết: “BQL có 64 người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 86.000ha nên việc quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn, có tình trạng người dân vào khai thác rừng trái phép. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã bắt được nhiều vụ khai thác rừng với khối lượng hơn 60m3”. Cũng theo ông Hùng, từ năm 2013, rừng phòng hộ Pù Hoạt đã được chuyển cho đơn vị quản lý là chủ rừng và chủ rừng giao từng diện tích đến từng hộ dân. “Trong khi chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về việc cây pơ mu nằm trong KBTTN bị khai thác trái phép thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng vì đã để xảy ra sự việc trên” - ông Hùng phân trần. Về thông tin có đường dây buôn bán gỗ pơ mu trên địa bàn, ông Hùng khẳng định: “Nếu có tôi sẽ từ chức ngay”.
Thiết nghĩ, thời gian tới chủ rừng là BQL KBTTN Pù Hoạt cũng như H. Quế Phong cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần củng cố và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
X.S