Báo Công An Đà Nẵng

Kiếm việc làm thêm tại nhà, nhiều em nhỏ trúng kế lừa đảo

Thứ tư, 01/12/2021 08:00

Hành vi lừa đảo của Lê Minh Quân (2003, trú H. Triệu Phong, Quảng Trị) cũng được thực hiện qua mạng xã hội nhưng “bẫy” lại hoàn toàn khác các vụ án lợi dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quảng Trị. Không đoạt facebook hay trộm mật khẩu tài khoản, thủ đoạn của Quân chỉ vài dòng rao vặt đơn giản nhưng lại khiến nhiều người “dính” do hấp dẫn trước việc nhẹ có tiền công khá, lại làm ở nhà có thể tránh dịch Covid-19.

Bị cáo Lê Minh Quân tại tòa.

Ngày 30-11, TAND H. Triệu Phong đưa ra xét xử bị cáo Lê Minh Quân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị hại trong vụ án cư trú tại nhiều tỉnh phía Bắc, đều là trẻ vị thành niên. Trước HĐXX, Quân thừa nhận vì muốn có tiền chơi game nên nảy sinh ý định dùng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Quân lập 1 tài khoản có hình ảnh đại diện là một phụ nữ nhằm tránh bị nghi ngờ rồi vào các hội nhóm tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội facebook đăng bài viết tuyển dụng nhân viên làm việc tại nhà. Khi có người vào bình luận, Quân trả lời và sử dụng ứng dụng Messenger để trao đổi, đưa thông tin cần 100 nhân viên dán tem son môi. Quân gửi video hình ảnh về công việc để củng cố lòng tin cho những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Khi đã xong “thỏa thuận”, Quân yêu cầu “nhân viên” chuyển tiền cọc bằng mã thẻ card điện thoại rồi quy đổi số card này thành tiền. Hẳn nhiên, chẳng có đơn hàng nào được chuyển đến “nhân viên”. Trước khi hành vi bị bại lộ, Quân đã lừa đảo trót lọt 3 trường hợp.

Cụ thể, ngày 13-5-2021, khi Quân đăng thông tin tuyển nhân viên dán tem son môi tại nhà qua facebook “Phạm Chúc” do Quân lập trước đó với nội dung “Dán 1.000 sản phẩm sẽ nhận tiền công 6 triệu đồng” thì em Mai T.A (nữ, 16 tuổi, trú H. Ý Yên, Nam Định) liền nhắn tin, trao đổi nhận việc. Quân nhanh chóng đồng ý và yêu cầu chuyển 500 ngàn đồng tiền cọc bằng cách gửi mã thẻ card điện thoại. Hình thức chuyển tiền cọc này bất thường, dễ nghi ngờ nhưng do T.A nhỏ tuổi, cả tin nên không nhận ra. Ngày hôm sau, Quân tiếp tục yêu cầu A. gửi thêm 3 triệu đồng cũng bằng mã thẻ card điện thoại về phí vận chuyển hàng. Sau khi lừa nhận xong 3,5 triệu đồng từ A., Quân bận rộn với việc quy đổi tiền để chơi game.

Đến ngày 26 – 5 – 2021, Quân đổi facebook “Phạm Chúc” thành “Hồng Thúy Khanh” để tránh bị phát hiện rồi tiếp tục giăng bẫy như trước. Em Đặng G.H (nam, 15 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng xin nhận 1.000 thỏi son về nhà dán tem. Quân yêu cầu chuyển 1,5 triệu đồng tiền cọc bằng mã thẻ card điện thoại. Chiếm đoạt xong, Quân chặn luôn facebook của em G.H.

Cùng ngày, em Nguyễn Q.H (17 tuổi, trú TP Hạ Long, Quảng Trị) thấy rao vặt của Quân qua facebook “Hồng Thúy Khanh” nên trao đổi. Công việc không quá nặng nhọc, lại làm việc ở nhà tránh dịch nên em Q.H. đồng ý chuyển cọc cho Quân để được chuyển hàng. H. chuyển cho Quân 500 ngàn đồng tiền cọc bằng mã thẻ card điện thoại. Sang ngày 27 - 5-2021, Quân tiếp tục yêu cầu Q.H. chuyển tiếp 2,4 triệu đồng phí vận chuyển hàng. Q.H đã chuyển đầy đủ cho Quân nhưng đợi mãi không thấy hàng ra.

Tuy số tiền chiếm đoạt không lớn nhưng hành vi của Quân là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương. Phần luận tội, đại diện VKS áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định đề nghị mức án 9 đến 12 tháng tù đối với Quân. Sau khi nghị án, HĐXX nhận định cáo trạng truy tố đúng người, bị cáo không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, trường hợp ít nghiêm trọng nên xem xét ở mức khởi điểm khung hình phạt cũng đủ răn đe, giáo dục.

Khép lại phiên xét xử, Tòa tuyên Quân 6 tháng tù. Qua đây cũng cảnh báo đến người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lợi dụng, lừa đảo như trên. 

Bảo Hà