Báo Công An Đà Nẵng

Kiên cường giữa đại dịch

Thứ bảy, 22/01/2022 09:28

8 giờ ngày 16-8-2021 đã đi vào lịch sử chống dịch của hàng triệu người dân Đà Nẵng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính quyền TP bên bờ sông Hàn đã quyết định triển khai “trận đánh lớn” chưa có tiền lệ. 20 ngày “ai ở đâu, ở yên đấy” đã minh chứng một điều, càng gian khó, Đà Nẵng càng thêm vững vàng!

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng phát lệnh toàn lực lượng Công an TP ra quân tuần tra, kiểm soát, đảm bảo người dân tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

20 ngày lịch sử

Trong 20 ngày “ai ở đâu, ở yên đấy”, từ 16-8 đến 6-9, Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố, trừ một số hoạt động đặc biệt. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” để theo đuổi một mục tiêu duy nhất: dập dịch. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, đây là giải pháp mạnh nhất, quyết liệt nhất quyết định đến thành bại của cả cuộc chiến chống dịch nên rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân. Đây đồng thời cũng là trận đánh lớn chưa có tiền lệ. Tình thế lúc bấy giờ thành phố cũng không còn cách nào khác ngoài việc phải nỗ lực hết sức để giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống dịch. Bài học từ những địa phương khác buộc thành phố phải quyết tâm cao, vào cuộc một cách quyết liệt nhất, mạnh mẽ nhất.

Sau lời kêu gọi của người đứng đầu Thành ủy, hơn 1,1 triệu dân Đà Nẵng đã “ở yên” tại nhà để phòng, chống dịch. Đường phố Đà Nẵng trở nên yên ắng lạ thường. Từ khu dân cư, tổ dân phố đến các cửa ô, các cung đường lớn nhỏ trong nội đô đều được thiết lập các chốt kiểm soát dịch. Tất cả đều có cùng suy nghĩ, kỳ vọng dịch bệnh sớm qua để bình yên được lập lại.

Hướng đến thành công trong “trận đánh lớn” này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã duy trì họp giao ban mỗi ngày để kịp thời chỉ đạo, xử lý quyết liệt, triệt để các chuỗi lây nhiễm. Tại các cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh luôn yêu cầu toàn bộ lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tuyệt đối không được sao nhãng, không thả nổi, thay vào đó phải hạ quyết tâm cao nhất, làm quyết liệt nhất, chặt chẽ nhất từ cấp thành phố đến phường/xã, từ bên ngoài vào bên trong thành phố để đạt được mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Tất cả cùng chung tay vì mục tiêu chung, vì một thành phố khỏe mạnh, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 được thiết lập từ khu dân cư, tổ dân phố, các cửa ô đến các cung đường lớn nhỏ trong nội đô.

Mặc đồ bảo hộ… “chạy marathon”

Lực lượng Công an, Quân đội, Y tế… tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch luôn được ví là vận động viên chạy marathon. Chỉ khác là họ luôn phải mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, bức bối. Khi thành phố “đứng yên”, lực lượng chức năng buộc phải chạy đua với virus gây bệnh để thần tốc truy vết, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả nhân viên y tế từ cấp xã phường, quận huyện đến thành phố đều được huy động làm nhiệm vụ. Để nhanh chóng xử lý ổ dịch, việc xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là điều tiên quyết.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, để “săn” cho hết F0, Đà Nẵng phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều đợt cho 100% đại diện hộ gia đình cũng như tất cả người dân trong khu vực phong tỏa. Bình quân mỗi đợt, ngành Y tế phải lấy mẫu xét nghiệm từ 350.000- 370.000 lượt người. Đây là áp lực lớn. Nếu trước đây, sau một đợt lấy mẫu diện rộng, ngành Y tế có khoảng trống nghỉ ngơi, thì cao điểm vừa qua rất khác. Cứ lấy xong đợt này, nhân viên y tế phải quay lại lấy đợt tiếp theo với cường độ liên tục. Bộ phận lấy mẫu, xét nghiệm và phân tích dữ liệu làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.

Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ y tế đã phải len lỏi vào từng cung đường, ngóc ngách, kể cả các khu cách ly, điều trị, các điểm nóng để truy vết, lấy mẫu sau đó gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) tiến hành xét nghiệm. Việc lực lượng tham gia vào cuộc chiến đặc biệt này quên ăn quên ngủ là chuyện quá đổi bình thường. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng CDC Đà Nẵng tâm sự: “Có những lúc 1-2 giờ, thậm chí 3-4 giờ sáng, khi chuẩn bị chợp mắt lấy sức, cán bộ, nhân viên lại nhận mẫu bệnh phẩm mới từ địa phương gửi lên nên bật dậy thực hiện xét nghiệm để có kết quả sớm nhất. Do khối lượng công việc lớn, luôn chạy đua với thời gian nên gần 30 nhân viên của khoa phải “cắm trại” tại CDC. Có những hôm vì mải mê công việc, anh chị em quên cả ăn uống…”.

 Ngành Y tế Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Vaccine đến đâu, tiêm ngay đến đó

Nhằm dựng “lá chắn vaccine” trước dịch bệnh, một trong những nhiệm vụ phải hoàn thành sớm là phủ vaccine toàn dân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh rằng, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Vì thế, Đà Nẵng đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế về việc phân bổ vaccine. Và, vaccine về đến đâu, ngành Y tế thành phố đã tiêm ngay đến đó. Từ đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch đến người cao tuổi có bệnh nền và dần dà tất cả người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố, kể cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng cũng đã được tiêm đủ mũi vaccine.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng để sớm ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh. Thực tế cũng chứng minh, nhờ có vaccine, tốc độ lây lan của dịch bệnh cũng chậm hơn, phạm vi cũng được thu hẹp hơn. Đặc biệt, khi được phủ vaccine, hầu như tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 đều không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, trung bình 10 ngày có thể khỏi bệnh.

 Phun khử khuẩn khu vực phong tỏa.

Thích ứng an toàn

Trước sự biến đổi của virus gây bệnh COVID-19 với những biến thể khác nhau, khái niệm “zero COVID” đã không thể đạt được. Thay vào đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 hướng dẫn tạm thời một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ngay sau hướng dẫn này, nhiều tỉnh thành đã tổ chức triển khai có hiệu quả, trong đó có Đà Nẵng.

Sau 20 ngày “đóng cửa chống dịch”, Đà Nẵng từng bước nới lỏng các hoạt động phù hợp. Xác định tình hình dịch bệnh trên địa bàn ở cấp độ 2 theo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch, các hoạt động kinh doanh, buôn bán, việc di chuyển cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Bây giờ, khi địa phương xuất hiện các ca bệnh mới, việc phong tỏa cũng áp dụng ở phạm vi nhỏ nhất, các biện pháp phòng, chống dịch cũng được triển khai theo quy mô cấp xã, phường hoặc nhỏ hơn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã tiến hành cho cách ly và điều trị F0 tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, cách ly, điều trị F0 tại nhà là hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế. Quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố cũng đã mang đến những hiệu quả nhất định. Qua quá trình chống dịch lâu dài, người dân cũng không còn tâm lý quá hoang mang, lo lắng khi phát hiện mắc COVID-19.

Rõ ràng, năm qua, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như nền kinh tế của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Với người dân thành phố bên bờ sông Hàn, những ngày chống dịch đặc biệt sẽ là ký ức không thể nào quên. Khi dịch bệnh ập đến, cả hệ thống chính trị và người dân đã có thời gian xích lại gần nhau hơn. Và, như lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, chính sự chung sức, đồng lòng của người dân, những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh cao cả, lặng thầm của lực lượng tuyến đầu đã đưa thành phố đạt được những thành quả chống dịch như hôm nay. 

PHI NÔNG