Kiến nghị kết nối đường ĐT601 với đường Hồ Chí Minh
Người dân khó khăn khi đi sang khu sản xuất
Ông Đinh Văn Cư-Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cho biết, nhiều diện tích đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp của bà con các thôn Tà Lang, Giàn Bí đều nằm phía bên kia đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Nếu trước đây, người dân đi vào rừng, vào khu sản xuất rất thuận lợi, các phương tiện chuyên chở vật liệu, thu hoạch gỗ cây rừng, nông sản đều có thể vào tận các khu đất rừng sản xuất, từ khi cao tốc đi vào hoạt động chính thức thì không thể. Nguyên nhân là toàn tuyến cao tốc nằm sát các khu rừng sản xuất, mà người dân chỉ có thể đi lại trên tuyến đường ĐT601 chạy gần như song song với đường cao tốc phía bên kia cao tốc, nên không có bất cứ tuyến ngang nào để vượt qua cao tốc vào các khu sản xuất. Ông Cư phân trần: "Đến mùa thu hoạch gỗ cây rừng trồng, không ai có thể vận chuyển hàng trăm tấn cây vượt qua đường cao tốc để đến nơi tập kết bằng sức người hoặc phương tiện thô sơ…
Cũng như vậy, không ai có thể khuân vác hàng chục tấn vật liệu, sắt thép, xi-măng, cát sỏi để vào khu sản xuất, xây dựng, phát triển sản xuất, chăn nuôi… nếu không có phương tiện cơ giới". Tuyến đường dân sinh kết nối từ đường ĐT601 qua cao tốc cũng bất cập, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh… Đơn cử như, để xây dựng đường cao tốc, toàn bộ khu nghĩa trang của người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí đều di dời qua bên kia cao tốc, để đi đến khu nghĩa trang phải đi qua một đường hầm dưới cao tốc, nhưng nghẹt nỗi, đường hầm xây dựng thấp, khiến các loại xe tải không thể chui lọt, phải đi vòng xuống khe suối. Nếu gặp mùa mưa mà trong thôn làng có đám tang là "khóc ròng" vì chỉ còn cách khiêng người mất đi bộ ra nghĩa trang…! Còn rất nhiều những bất cập, phiền phức, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh ở khu vực Hòa Bắc từ khi đường cao tốc đi vào hoạt động… Theo ông Cư và người dân địa phương, đáng lẽ khi thiết kế tuyến đường này, chủ đầu tư dự án phải tính toán đến cả vấn đề ảnh hưởng dân sinh ở khu vực thế nào mới đảm bảo…!
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cũng cho biết, trên địa phận xã Hòa Bắc, hơn 30km dọc tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan đều nằm sát các khu vực rừng sản xuất, đất nông nghiệp của người dân. Kể từ khi cao tốc đi vào hoạt động, người dân rất khó khăn trong việc đi vào các khu sản xuất, nhất là việc chuyên chở vật liệu, nông sản, cây rừng trồng, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng khi có vụ việc xảy ra, cứu nạn cứu hộ khi mùa mưa lũ đến… UBND xã đã kiến nghị với Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh cho mở tạm một số tuyến đường ngang qua cao tốc để phục vụ dân sinh, nhưng không thể, vì đây là tuyến giao thông quốc gia, phải đảm bảo nghiêm ngặt chặt chẽ về an toàn giao thông đường bộ. Từ những bức xúc về nhu cầu cần thiết, phục vụ cho đời sống dân sinh, phòng cháy chữa cháy rừng, người dân địa phương, chính quyền địa phương đã kiến nghị lên chính quyền, ngành chức năng thành phố xem xét để có biện pháp giải quyết…
Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Trước những bức xúc nêu trên, Ban Dân nguyện, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã chuyển những kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng đến Bộ Giao thông Vận tải theo Công văn số 1418/BDN ngày 7-11-2022. Nội dung kiến nghị như sau: "Đề nghị tiếp tục quan tâm bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường nối từ đường ĐT.601 lên đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Hòa Liên thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan) và các tuyến đường gom dân sinh từ cao tốc La Sơn - Hòa Liên vào các khu rừng sản xuất của người dân tại lý trình Km54 đến Km51 trên địa bàn xã Hòa Bắc để tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện cơ giới di chuyển, người dân trong khu vực đi lại, vận chuyển, khai thác lâm sản, kể cả xe cứu hỏa nếu không may có cháy rừng xảy ra và phục vụ cứu nạn, cứu hộ trong các mùa mưa bão".
Mới đây, vào cuối tháng 2-2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời nêu rõ: "Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, tuyến đường La Sơn - Hòa Liên thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Lạng Sơn đến Cà Mau), theo quy hoạch trước năm 2030 đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe cơ giới, hiện nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe cơ giới. Đối với đoạn tuyến La Sơn - Hòa Liên qua địa bàn TP Đà Nẵng khoảng 30km, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo xây dựng 14 đường gom, 10 hầm giao thông dân sinh và 1 cầu vượt tuyến chính trên đường ĐT.601 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Do đoạn tuyến nối từ ĐT.601 lên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên là đường địa phương thuộc thẩm quyền đầu tư của TP Đà Nẵng. Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối này để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội khu vực, hỗ trợ công tác cứu hỏa khi có cháy rừng, phục vụ cứu hộ, cứu nạn mùa mưa bão, đề nghị Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư và thông báo đến cử tri thành phố được biết về tiến trình đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng trong quá trình thực hiện…".
Như vậy có thể thấy, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất việc kết nối giữa đường ĐT601 với đường Hồ Chí Minh (cao tốc La Sơn-Túy Loan) tại địa phận Đà Nẵng như đã nêu trên. Vấn đề đặt ra là việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường kết nối này như nào là nhiệm vụ của chính quyền, ngành chức năng TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
Hồng Thanh