Báo Công An Đà Nẵng

Kiến nghị xây nhà máy đốt rác ở Khánh Sơn

Thứ năm, 24/05/2018 17:00

Vừa qua, tại hội thảo kỹ thuật đề xuất dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng do tổ công tác chuẩn bị đầu tư dự án này (thuộc UBND TP Đà Nẵng) tổ chức (ngày 19-4-2018), nhiều nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và quy hoạch đề nghị đầu tư xây dựng nhà máy đốt chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực mở rộng bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) thay vì tại xã Hòa Nhơn (H.Hòa Vang).

Cuối năm 2020, các hộc rác ở bãi rác Khánh Sơn sẽ được lấp đầy.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, bãi rác Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 2007 với diện tích 32,4ha, trong đó có 5 hộc chôn rác có tổng diện tích 13,83ha. Hiện đã có 2 hộc chôn rác đã được lấp đầy, phủ tấm HPDE và đóng cửa; 2 hộc chôn rác tạm thời ngừng tiếp nhận rác thải vì cũng đã chứa nhiều rác; hộc chôn rác còn lại đã bắt đầu tiếp nhận rác từ ngày 9-6-2017. Dự kiến các hộc chôn rác lấp đầy rác vào cuối năm 2020. Để đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố sau năm 2020, UBND thành phố đã quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (H.Hòa Vang) vào năm 2016 với tổng diện tích 119,4ha. Nhưng đến tháng 8-2017, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng tiến hành đo đạc, khảo sát hiện trạng, nghiên cứu toàn bộ bãi rác Khánh Sơn để đề xuất thêm phương án quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với diện tích 25,7ha tại khu vực mở rộng của bãi rác này. Hiện nay, đang tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo đề xuất dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng nhằm giúp cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức PPP để trình lãnh đạo thành phố xem xét, quyết định...

Tại hội thảo, Công ty CP Nước và môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn đề xuất dự án) đề xuất tách hạng mục xử lý phân bùn bể phốt để ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước do khối lượng nhỏ, không ổn định và vốn đầu tư không lớn, công nghệ xử lý không phức tạp. Cũng tách hạng mục xử lý chất thải rắn nguy hại công nghiệp và rác thải y tế thành một dự án riêng để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư. Đối với rác thải sinh hoạt không nguy hại (chiếm từ 80-90% tổng lượng rác thải thu gom hàng ngày), trong giai đoạn từ năm 2018-2021, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư xây dựng dây chuyền đốt rác có công suất 1.000 tấn/ngày cùng hệ thống xử lý khí. Đầu tư hệ thống tái chế chất thải rắn có khả năng tái chế được với công xuất xử lý rác khoảng 2.000 tấn/ngày...

Với lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn không nguy hại là đốt rác, Công ty CP Nước và môi trường Việt Nam phân tích, việc đầu tư dự án khu vực xã Hòa Nhơn có ưu điểm là quỹ đất rộng, thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển khu liên hợp trong các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, nếu đầu tư dự án tại đây sẽ gặp khó khăn về sự đồng thuận của người dân. Cạnh đó, phải di dời khoảng 100 hộ dân và ngừng hoạt động một số công ty khai thác đất đá, xây dựng. Ngoài ra, không những xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn không nguy hại, mà còn phải xây dựng các khu xử lý chất thải rắn khác... Trong khi đó, việc chọn xây dựng dự án tại khu đất mở rộng của bãi rác Khánh Sơn có nhiều ưu điểm là không phát sinh thêm Khu xử lý chất thải rắn mới; chỉ phải đóng cửa 1 mỏ khai thác đá; tận dụng được các công trình xử lý chất thải rắn khác hiện có, còn đang hoạt động tốt hoặc đang triển khai đầu tư mà không cần phải đầu tư mới như: Nhà máy xử lý nước rỉ rác đang xây dựng, bể xử lý bùn có công suất 100m3/ngày, dự án sản xuất phân bón lỏng biomas do Nhật Bản tài trợ, các thiết bị xử lý chất thải nguy hại... Hơn nữa, theo Công ty CP Nước và môi trường Việt Nam, nếu đề xuất đầu tư xây dựng dây chuyền đốt rác thải sinh hoạt không nguy hại có công suất 1.000 tấn/ngày cùng hệ thống tái chế chất thải rắn với công suất 2.000 tấn rác/ngày... được chấp thuận và triển khai trong giai đoạn từ năm 2018-2021, thì tỉ lệ chất thải rắn đem chôn rất thấp. Theo đó, khi đốt chất thải rắn sinh hoạt không nguy hại, tỉ lệ tro chiếm khoảng 27%, nhưng có đến 88% trữ lượng là xỉ đáy lò, được thu hồi và tái sử dụng, chỉ có 1% là muội từ lò đốt và 11% là tro bay, tạp chất được xử lý bởi hệ thống xử lý khí thải.

Sở Tài chính thành phố đã đề nghị nghiên cứu chọn địa điểm xây dựng dự án tại bãi rác Khánh Sơn mở rộng nhằm tập trung các dự án xử lý rác thải trên địa bàn thành phố vào một khu vực, thuận lợi cho việc quản lý, vận hành cũng như theo dõi, giám sát các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến môi trường. Còn các nhà khoa học và chuyên gia về môi trường, quy hoạch đề nghị nên chọn khu vực mở rộng của bãi rác Khánh Sơn để đầu tư dự án. "Đầu tư dự án tại bãi rác Khánh Sơn vì phù hợp với quy hoạch, ít ảnh hưởng bởi hướng gió cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố, giảm thiểu được nhiều chi phí do tận dụng nhiều công trình đã đầu tư và đang hoạt động hiện nay, tiết kiệm được 13ha đất... Đặc biệt, sau năm 2020, các hộc đã chôn đầy rác tại bãi rác Khánh Sơn có thể được sử dụng lại vì rác hữu cơ đã phân hủy hết", PGS.TS Trần Các, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nói.

Việc đầu tư nhà máy đốt rác tại khu vực mở rộng của bãi rác Khánh Sơn sẽ không phải lo việc nước rỉ rác ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

PGS.TS Trần Văn Quang, Khoa Môi trường - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng cho hay: "Trữ lượng rác hữu cơ đã chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn có thể đã phân hủy hết, chỉ còn một số thành phần khó phân hủy và đất thô nên có thể đốt và tận dụng các mặt bằng, hộc rác cũ để chôn lấp chất thải rắn mới. Mặt khác, nếu đầu tư công nghệ đốt để xử lý chất thải rắn sinh hoạt không nguy hại tại khu vực Khánh Sơn sẽ giảm được nhiều chi phí, nhất là hệ thống xử lý nước rỉ rác. Hơn nữa, ở nhiều nước tiên tiến, nhất là Nhật Bản, Thụy Điển..., các nhà máy đốt rác nằm ở trong thành phố là chuyện bình thường vì không gây ô nhiễm. Đối với công nghệ đốt rác, khí thải từ nhà máy hoàn toàn có thể kiểm soát được, hơi nóng từ đốt rác được thu hồi để sấy rác và giúp đốt tiết kiệm hơn. Tuy vậy, cũng cần có đánh giá tác động môi trường chi tiết và chu đáo".

Còn KTS Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng cho hay, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn là rất cần thiết và cần triển khai sớm để bảo đảm vệ sinh, môi trường của thành phố trong thời gian đến. Về việc chọn địa điểm xây dựng dự án, cả khu vực Khánh Sơn và khu vực xã Hòa Nhơn đều đang phát triển dân cư. Tuy nhiên, khu vực Khánh Sơn thì đã ở biên, còn Hòa Nhơn đang dần là khu vực trung tâm phát triển đô thị nên dân cư có khả năng phát triển mạnh. "Rác thải tại khu vực Khánh Sơn đã và đang được xử lý rất thô sơ và thủ công, không phải bằng máy móc. Nếu có một nhà máy xử lý rác thải tại đây cùng các nhà máy phụ trợ thì những ảnh hưởng đối với môi trường sẽ giảm thiểu rất nhiều. Cạnh đó, phải có các biện pháp khắc phục các ô nhiễm nếu có, nhất là trồng vành đai cây xanh cách ly để giảm thiểu ô nhiễm. Cũng đề nghị các đơn vị tư vấn và thành phố xem xét yếu tố chi phí sao cho đỡ tốn kém kinh phí nhất để quyết định chọn địa điểm đầu tư", KTS Hoàng Quang Huy nói.

NAM TRÂN