Báo Công An Đà Nẵng

Kiện “nhân tài” là việc bất đắc dĩ

Thứ bảy, 03/10/2015 08:22

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng xung quanh câu chuyện Đà Nẵng kiện “nhân tài” ra tòa án dân sự, ông Nguyễn Đình Thuận- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng nói:

Ông Nguyễn Đình Thuận 

Đã đầu tư 600 tỷ đồng

Ông Thuận nói, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2004 tới nay với tổng chi phí TP bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng. Tổng cộng có 630 lượt người đã tham gia đề án ở hai nội dung đào tạo đại học và sau đại học. Đến nay đã có 394 lượt học viên tốt nghiệp trong đó 359 lượt được bố trí công việc.

P.V: Thưa ông, điều kiện nào để được tham gia đề án?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Tham gia đề án để đi học đại học thì điều kiện phải có kết quả học phổ thông xuất sắc, đạt các giải thưởng uy tín. Tham gia học thạc sĩ, tiến sĩ phải có ít nhất 2 năm công tác các cơ quan ở Đà Nẵng, dưới 35 tuổi (với thạc sĩ), dưới 40 tuổi (với tiến sĩ), có năng lực ngoại ngữ tùy theo yêu cầu của đất nước mà học viên sẽ tới học.

P.V: Như vậy có thể hiểu những người tham gia đề án thuộc dạng nhân tài?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Có thể hiểu như vậy.

P.V:  Thưa ông, mức chi phí tối đa mà TP đầu tư cho mỗi học viên là bao nhiêu, khi học xong họ sẽ phải có trách nhiệm gì với TP?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Mức kinh phí cho mỗi học viên không giới hạn, tùy vào chuyên ngành, đất nước mà học viên theo học. Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, với các bạn học ở nước ngoài thường dao động từ 1,2 đến 1,8 tỷ đồng, còn học trong nước chỉ vài trăm triệu đồng. Trước khi tham gia đề án, các bạn học viên và gia đình phải có cam kết sau khi tốt nghiệp phải về công tác tại thành phố ít nhất 7 năm. Trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn chi phí cho TP gấp 5 lần (theo đề án cũ của TP) còn theo nghị định 143 của Chính phủ thì mức bồi hoàn là 100%. Riêng các trường hợp không thực hiện đúng cam kết vì lý do bất khả kháng như ốm đau... chỉ bồi hoàn 50% mức chi phí TP đã đầu tư.

P.V:  Có những học viên phản ánh rằng họ tốt nghiệp theo đề án nhưng về chờ bố trí công tác quá lâu hoặc công việc không phù hợp nên đã không thực hiện theo đúng cam kết.

Ông Nguyễn Đình Thuận: Theo quy trình sau khi tốt nghiệp họ phải về trình diện, thông báo kết quả với Trung tâm. Sau đó Trung tâm sẽ chuyển hồ sơ về Sở Nội vụ, từ đó căn cứ trên vị trí công tác hiện có, chuyên ngành đào tạo, nguyện vọng của từng người sẽ bố trí công việc phù hợp. Theo một khảo sát mới nhất của Trung tâm, 81% các bạn tốt nghiệp từ đề án cho rằng được bố trí công việc rất phù hợp. Trong khi đó, các cơ quan sử dụng đánh giá 80% các học viên từ đề án đáp ứng tốt công việc và phát huy được sở trường, năng lực.

P.V:  Thưa ông, các địa phương khác có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như cách mà Đà Nẵng đang làm không?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Theo tôi được biết TPHCM họ cũng có đề án tương tự, còn tại đồng bằng sông Cửu Long có chương trình Mê Kông 1000.

Triển lãm du học và học bổng năm 2015 thu hút sự quan tâm của các học viên đề án. (Ảnh: CPHUD)

Vì sao nhân tài không về?

P.V:  Trong 630 lượt người tham gia đề án thì có bao nhiêu người không thực hiện đúng cam kết với đề án và phải thực hiện bồi hoàn?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Có 64 lượt học viên bao gồm các trường hợp không trở về, trong quá trình học không đáp ứng được yêu cầu, đau ốm bỏ giữa chừng, do gia đình có việc đột xuất, do nghỉ việc nên bỏ luôn cả đề án. Trong số 64 trường hợp phải bồi hoàn thì chúng tôi đã khởi kiện 15 trường hợp, tòa đã xử 7 trường hợp trong đó có 5 trường hợp học ở nước ngoài không trở về, 2 trường hợp đã phân công công tác nhưng không tiếp nhận. Những trường hợp còn lại chúng tôi đang xem xét hồ sơ, cần thiết sẽ khởi kiện.

P.V: Ông có thể kể vài trường hợp mà Trung tâm bất đắc dĩ phải kiện để thu hồi chi phí cho TP?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Bạn H.V.L (24 tuổi) tham gia đề án học ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng ở Nottingham (Anh) 5 năm, nguồn chi phí của TP đầu tư 2,6 tỷ đồng. Học xong, L. không chịu về trình diện dù đã nhiều lần được Trung tâm trao đổi mà không hồi âm. Bạn Q.T (26 tuổi, Đà Nẵng) học chuyên ngành Điện tử- Viễn thông tại Pháp, với mức đầu tư của TP 1,2 tỷ đồng, học xong T. đã kiếm việc, lấy vợ bên Pháp và không trở về.

Bạn H.T.A (1987, Đà Nẵng) học đại học, thạc sĩ theo đề án với mức kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. A. về công tác ở Sở Ngoại vụ được 3 năm thì tự ý bỏ việc để sang Anh tự túc học Tiến sĩ. Trường hợp này tòa đã xử sơ thẩm, gia đình đang kháng cáo. Thực tình việc phải kiện ra tòa là bất đắc dĩ. Trung tâm chúng tôi làm nhiệm vụ chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chứ đâu phải tốn thời gian theo các vụ kiện tụng rất mất thời gian. Nhưng tiền của TP thì phải thu hồi, trong khi các gia đình này có điều kiện kinh tế để bồi hoàn nhưng có biểu hiện chây ì.

P.V:  Sau những vụ kiện hiện nay Trung tâm đã thu hồi được bao nhiêu kinh phí cho TP?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Hiện chúng tôi chưa thu hồi được đồng nào. Vì các vụ kiện cũng mới tiến hành cần phải có thời gian nhất định.

P.V:  Câu chuyện kiện đòi bồi hoàn kinh phí là một phần, nhưng điều đáng nói ở đây, vì sao sau khi được đào tạo nhiều “nhân tài” lại bỏ Đà Nẵng ra đi?

Ông Nguyễn Đình Thuận: Chính sách của Đà Nẵng luôn trọng dụng nhân tài, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho những người tài công tác, phát huy năng lực. Môi trường sống ở Đà Nẵng thế nào thì chắc hẳn mỗi người cũng có cảm nhận riêng. Việc một số người học xong không về Đà Nẵng làm việc như cam kết, thường xảy ra với những trường hợp chưa từng công tác ở Đà Nẵng ngày nào, còn với những người đã có vị trí công tác, họ đi học rồi sẽ trở về.

Ở đây, với những người được chu cấp tiền của TP học xong lại không về nước, có thể họ tìm được cơ hội làm việc tốt hơn bên nước ngoài, có thể họ lập gia đình bên đó, cũng có thể vì lý do nào đó. Sự lựa chọn thuộc về mỗi người, song họ không thể chối bỏ cam kết bồi hoàn kinh phí với TP. Vì đó là kinh phí từ ngân sách, cũng là tiền thuế của người dân.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hải Hậu

(thực hiện)