Kiên trì bảo vệ thương hiệu 400 năm rau sạch
(Cadn.com.vn) - Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Mới đây, Chính phủ ban hành Chỉ thị 13 tăng cường quản lý nhà nước về ATTP, với những biện pháp mạnh tay. Trong bối cảnh đó, vẫn tồn tại những vùng đất, những con người luôn tận tâm chăm sóc, vẫn thật lòng với từng ngọn rau cây cỏ, với người tiêu dùng và với thương hiệu mảnh đất mưu sinh của mình, mà làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam) thương hiệu rau sạch nổi tiếng 400 năm qua là một dẫn chứng tiêu biểu.
Chúng tôi đã tận “mục sở thị” làng rau Trà Quế để tìm hiểu cách mà người dân nơi đây gìn giữ thương hiệu rau của mình.
Một nông dân đang tưới vườn rau vào lúc sáng sớm. Ảnh: Kim Yến |
Nói “không” với hóa chất
Nằm cách trung tâm TP Hội An 3km, với tổng diện tích trồng rau sạch đã gần 20 ha và khoảng 200 hộ dân, Trà Quế vừa là làng rau truyền thống vừa là một điểm tham quan thú vị thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm. Du khách đến đây thích thú ngắm nhìn những mảnh rau xanh mát lành, tươi tốt khỏe khoắn, trầm trồ hít hà hương thơm dịu của các cây rau gia vị và có thể chứng kiến cũng như tận tay trồng, chăm sóc những cây rau như những người nông dân thực thụ. Điều hết sức thú vị ở Trà Quế là gần như không ai tìm thấy các loại bao bì, chai lọ chứa phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng... Điều đó cho thấy, người dân nơi đây sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để bón cho rau. Theo ông Phạm Tài, chủ vườn rau rộng 850m2 ở Trà Quế, có hai loại được bà con nơi đây dùng phổ biến, là phân chuồng ủ hoai và rong rêu. Phân chuồng được đưa từ các vùng lân cận, như Điện Bàn đưa về. Nếu không sử dụng phân chuồng, nông dân dùng rong rêu vớt từ sông Cổ Cò và các ao hồ lân cận.
Tại vườn của ông Tài có rất nhiều loại rau ăn, như cải, xà lách, dền đỏ..., cũng như các loại rau gia vị, như hành, ngò... Mỗi loại rau được trồng ở một luống khác nhau, có luống đã tươi xanh căng tràn sẵn sàng để thu hoạch, có luống những mầm non chỉ vừa nhú lên khỏi mặt đất. Ông Phạm Tài cho hay: “Chúng tôi sử dụng phân chuồng và cả rong rêu như ngày xưa đến giờ ông cha vẫn làm, cả hai đều tốt như nhau, tốt cho cây lại tốt cho đất. Xưa nay cha ông không dùng phân hóa học, chúng tôi cũng vậy, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và đặc biệt là du khách thập phương cũng có sự giám sát rất chặt chẽ, thường xuyên, khiến cho hộ nào muốn dùng phân hóa học cũng không thể dùng được. Nếu dùng, chính quyền và du khách sẽ phát hiện dễ dàng thôi, bởi người ta sẽ thấy hoặc sẽ nghe mùi. Rau này chúng tôi trồng, nhà chúng tôi cũng ăn, chứ không phải như một số nơi khác họ phải trồng riêng một luống rau cho gia đình”.
Một nông dân đang tưới vườn rau của mình vào lúc sáng sớm. Ảnh: Kim Yến |
Dùng tay bắt sâu
Ngoài phân, nước cũng là một yếu tố quan trọng chi phối sự phát triển của cây. Người nông dân sử dụng nước giếng khoan tại chỗ, bơm vào các hồ chứa ở ngay tại vườn rau để tiện tưới tiêu chăm sóc. Một ngày, vào mùa nắng nóng, rau được tưới 4 lần, vào lúc 3 giờ, 9 giờ, 14 giờ và 18 giờ. Chính nhờ sự chăm sóc tỉ mẩn của người dân với từng luống rau mà sâu bọ cũng ít khi “ghé thăm”, nếu có chỉ là những ngày mưa, khi đó người nông dân sẽ bắt sâu bằng tay, chứ không dùng đến thuốc. Để kịp cho đầu ra mỗi ngày, cây được trồng luân canh, xen canh với nhau. Mảnh vườn chia ra làm nhiều luống nhỏ, mỗi luống trồng một loại rau khác nhau hoặc cùng loại thì cách ngày nhau, để đảm bảo khi thu hoạch luống này thì luống kia vừa kịp lớn để cho lần thu hoạch sau. Ngay khi thu hoạch xong, rau được rửa bằng nước trong hồ chứa tại vườn và giao cho đầu mối thu mua hoặc tự tay người dân đem ra chợ bán.
* Chia sẻ thêm với chúng tôi về kinh nghiệm phân biệt rau Trà Quế với rau trồng ở nơi khác hoặc rau có thuốc, chị Nguyễn Thị Nhớ cho biết: “Rau Trà Quế có màu xanh đậm, lá hơi sần so với rau có sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng. Thường những cây rau có sử dụng thuốc sẽ có màu xanh tươi mơn mởn và lá cũng nhẵn bóng, không có vết sâu ăn. Rau Trà Quế còn có mùi hương rất riêng, dịu nhẹ mà khoan khoái, chỉ có những cây rau được trồng theo cách truyền thống, được chăm sóc cẩn thận trên mảnh đất màu mỡ này thì mới có được mùi thơm như vậy”. |
Một nông dân khác ở làng Trà Quế, bà Nguyễn Thị Nhớ, cho chúng tôi biết: “Khi tôi sinh ra là vườn rau đã có rồi, có từ đời bà cố tôi lận, tôi cũng theo mẹ mà làm thôi. Vườn rau của tôi chỉ có 300m2, dạo này trời nắng nóng nên chỉ trồng rau dền, rau muống, hành, ngò. Sau khi thu hoạch, tôi trực tiếp đem ra chợ Tân An bán, mỗi ngày bán được khoảng 150.000 – 200.000 đồng, hôm nào cũng bán hết mới về, có khi thiếu rau bán phải mua lại từ hàng xóm để bán tiếp. Người dân ở đây thích ăn rau Trà Quế lắm, họ dùng cũng quen rồi nên yên tâm, chưa có ai phàn nàn về chất lượng rau cả”.
Uy tín, chất lượng là vậy, nên rau Trà Quế được mọi người rất tin dùng. Hiện nay, rau Trà Quế có mặt ở khắp nơi từ những khu chợ nhỏ trong thành phố Hội An đến các siêu thị lớn ở Đà Nẵng như Metro, Big C, Co.opMart..., từ bữa cơm gia đình đến các món ăn đặc sản hay sang trọng trong nhà hàng, khách sạn. Trong bối cảnh ATTP đặt ra hàng loạt vấn đề, thương hiệu rau Trà Quế vẫn giữ mình “trong sạch” và “sống tốt” có thể là gợi ý thú vị về phát triển một nền nông nghiệp thực sự đáng tin cậy.
Kim Yến