Báo Công An Đà Nẵng

Kiều hối chảy mạnh về nước

Thứ sáu, 01/01/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Lượng kiều hối liên tục tăng trong những năm gần đây với tốc độ bình quân mỗi năm 1 tỷ USD. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã lọt vào top các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới với mức 12,25 tỷ USD (số liệu đến ngày 1-12). Liệu rằng, với tốc độ tăng trưởng đều như vậy, lượng kiều hối đến cuối năm có thể “cán” mốc kỷ lục 13 tỷ USD?

“Sóng” mạnh cuối năm

Theo đánh giá của (WB), trong ấn bản “Migration and remittances factbook 2016” về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 11 trên thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. Xét khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines. Riêng kiều hối từ Mỹ, Việt Nam nhận khoảng 7 tỷ USD trong năm 2015, đứng thứ 9 toàn cầu. Trong ba năm trở lại đây, nguồn lực từ nước ngoài về nước tăng liên tục, lượng kiều hối năm 2012 cán mức 10 tỷ USD, năm 2013 đạt 11 tỷ USD và năm 2014 tăng lên tới 12 tỷ USD. Dự kiến năm nay, lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, lượng kiều hối chuyển về nước dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Kiều hối năm nay chủ yếu tập trung từ các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong đó, lượng kiều hối từ thị trường Châu Á tăng mạnh nhất.

Theo đánh giá của TS Bùi Quang Tín, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng xuất phát việc điều hành tỷ giá USD/VND ổn định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nhiều năm qua. Chính điều này đã thu hút các nguồn USD “chảy” về nước nhằm chuyển sang VND để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Mặt khác, dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức đang phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp mang tính cạnh tranh cao. Nhận định về những tác động của chính sách, ông Lê Đức Thọ (Tổng Giám đốc VietinBank) cho biết,  trong những năm qua, Nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ không giới hạn số lượng, đồng thời được miễn trừ toàn bộ thuế thu nhập cá nhân cho số kiều hối nhận được khiến  cho nguồn cung ngoại tệ ngày càng dồi dào hơn cho nền kinh tế.

Đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, kiều hối có vai trò rất quan trọng, một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Dòng chảy kiều hối đã góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong nhiều năm qua. Riêng năm 2014, mặc dù chỉ bằng khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu nhưng 12 tỷ USD kiều hối được xem là “lãi ròng” đối với nền kinh tế. Các chuyên gia ước tính, để có 148 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam phải bỏ ra số ngoại tệ tương đương như vậy để nhập khẩu nguyên liệu, máy móc sản xuất. Chính vì vậy, có thể nói kiều hối là nguồn thu ngoại tệ ổn định, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá của đồng USD trong tương lai. Về mặt xã hội, kiều hối đã tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều, đồng thời góp phần cải thiện ngân sách cho nhà ở, y tế và giáo dục.

Giải pháp nào để khơi tăng?

Để thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối, chúng ta cần đồng bộ các giải pháp mở rộng mạng lưới chuyển tiền, chi trả kiều hối qua các kênh chính thống như hệ thống NHTM, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện..., tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động gửi tiền của người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện giải pháp này, một số ngân hàng đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước ASEAN thông qua hình thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc NH 100% vốn. Đơn cử, Eximbank kết nối với Tổ chức Prabhu Group Inc. cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ Mỹ, Canada, Australia, các nước ASEAN và Trung Đông về Việt Nam. Eximbank còn hợp tác với Kookmin Bank và Woori Bank triển khai dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Mạng lưới này đã giúp cho các NH có nhiều nguồn khách hàng khác nhau và dễ dàng, nhanh chóng khi nhận và chuyển tiền kiều hối.

Trên thực tế, hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng đều đưa ra các chương trình khuyến mãi, dịch vụ hấp dẫn để “lôi kéo” dòng kiều hối. VietinBank triển khai chương trình ưu đãi “Vui xuân mới, nhận tiền lĩnh quà” dành cho khách hàng giao dịch kiều hối qua kênh Wells Fargo ExpressSend từ ngày 1-12-2015 đến hết ngày 20-1-2016. SeABank cũng đang phát động chương trình “Kiều hối nhận ngay, quà liền tay”  nhân dịp Tết Bính Thân từ ngày 15-12-2015 đến 31-3-2016 cho các khách hàng giao dịch qua Western Union. Agribank cũng đã triển khai chương trình “Mùa kiều hối Agribank – Nhận tiền nhanh – Nhiều quà tặng” từ ngày 4-1-2016 đến 29-2-2016 đối với khách hàng nhận kiều hối qua hệ thống.

Ông Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho biết, dòng kiều hối hàng năm vẫn chảy mạnh bất chấp khó khăn của kinh tế thế giới xuất phát từ cơ chế chính sách kinh tế mở, ngày càng gần dân hơn của Việt Nam. Điều đó cho thấy, để tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng của dòng kiều hối, chúng ta phải ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được giá trị VND, tạo lập niềm tin cho Việt kiều khi chuyển tiền về nước.

Văn Khoa