Kiều nữ “nổ” có quan hệ rộng, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng
Trong 2 ngày 17, 18-11, TAND TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thị Mây (1986, trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Mây mức án tù chung thân về tội danh nêu trên. Người bị hại trong vụ án này là vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Lan và ông Văn Công Quang (cùng trú P. Hòa Cường Bắc), người điều hành Công ty CP Vietnet Investment Group.
Bị cáo Lê Thị Mây tại tòa. |
Theo cáo trạng, do có nhu cầu tham gia đầu tư vào các Dự án xử lý rác thải TP Đà Nẵng, Dự án Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Quảng Nam và Dự án khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), thông qua sự giới thiệu, từ tháng 2-2019 đến tháng 5-2019, vợ chồng bà Lan gặp Lê Thị Mây để liên hệ hỏi về việc xin giấy phép đầu tư. Quá trình tiếp xúc, Mây lấy tên giả là Trần Thu Hà và đưa thông tin gian dối có nhiều mối quan hệ quen biết, có khả năng xin được giấy phép đầu tư các dự án cho Công ty của bà Lan trong thời gian từ 1 đến 3 tháng.
Để bà Lan tin tưởng, Mây liên hệ với anh Nguyễn Nam Ph. (trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và anh Nguyễn Văn A. (trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đều là nhân viên Công ty TNHH tư vấn xây dựng miền Trung để nhờ hỏi thủ tục và làm hồ sơ báo cáo công nghệ để được UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các buổi thuyết trình giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải và báo cáo sơ bộ các nội dung liên quan đến dự định đầu tư. Tuy nhiên sau đó, Mây không làm các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để được cấp phép đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định nhưng Mây liên tục đưa ra các thông tin gian dối để bà Lan tin tưởng và qua đó nhiều lần yêu cầu bà Lan đưa tiền làm chi phí rồi chiếm đoạt.
Cụ thể, Mây hứa hẹn xin được giấy phép cho Công ty CP Vietnet Investment Oroup đầu tư vào Dự án nhà máy xử lý rác thải TP Đà Nẵng và yêu cầu bà Lan đưa trước 150.000 USD. Đến khoảng tháng 5-2019, trong quá trình chờ Mây hoàn thành thủ tục xin giấy phép đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải tại Đà Nẵng, bà Lan trao đổi việc Công ty cũng có nhu cầu đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác tỉnh Quảng Nam và xin giấy phép đầu tư khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước. Mây hứa hẹn sẽ xin được giấy phép hai dự án này trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng. Mây tiếp tục yêu cầu bà Lan cung cấp thông tin để làm hồ sơ, báo cáo thuyết trình công nghệ gồm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty CP Victnet Investment Group; Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty CP Vietnet Investment Group và đối tác, báo cáo công nghệ xử lý rác thải.
Sau đó, Mây nộp hồ sơ thì được Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp để nghe giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải và báo cáo sơ bộ các nội dung liên quan đến dự định đầu tư Nhà máy đốt chất thải rắn đô thị phát điện tại tỉnh Quảng Nam. Sau buổi thuyết trình, Mây lại tiếp tục chiêu cũ “án binh bất động”, không làm bất cứ việc gì để xin Giấy phép cho Công ty CP VietnetInvestment Group theo hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam để được tham gia đầu tư dự án. Cùng thời gian này, Mây liên hệ với anh Nguyễn Văn A. nhờ làm hồ sơ giới thiệu về công nghệ nhà máy xử lý rác thải Quảng Nam và lập hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với dự án khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước.
Để tiếp tục tạo sự tin tưởng cho bà Lan, Mây giới thiệu để Công ty CP Vietnet Investment Group và Công ty TNHH tư vấn xây dựng miền Trung ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế xây dựng công trình thuộc dự án khu đô thị phía Nam thị trấn Nam Phước. Sau khi ký hợp đồng thì ông Văn Công Quang chuyển cho anh A. số tiền tạm ứng hơn 383 triệu đồng và anh A. lập hồ sơ giao cho Mây. Sau khi Mây nhiều lần hứa hẹn nhưng không nhận được giấy phép đầu tư dự án, bà Lan yêu cầu dừng hợp tác thì anh A. và bà Lan lập thỏa thuận trả lại 75% số tiền tạm ứng, anh A. đã chuyển trả lại số tiền hơn 287 triệu đồng…
Mặc dù không có khả năng xin cấp giấy phép đầu tư cho các Dự án xử lý rác thải TP Đà Nẵng, Dự án Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Quảng Nam và Dự án khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước nhưng Mây đưa ra thông tin gian dối có mối quan hệ quen biết, có khả năng xin giấy phép trong vòng 1-3 tháng, sắp có giấy phép đầu tư hoặc đã có giấy phép đầu tư nhưng chưa đóng dấu… để bà Lan tin tưởng giao tổng số tiền 860.000 USD tương đương 19.806.690.000 đồng, rồi chiếm đoạt. Khi bị bà Lan phát hiện và qua nhiều lần hai bên làm việc, Mây đã trả lại cho bà Lan số tiền 50.000 USD và 513.930.000 đồng. Bà Lan yêu cầu Mây tiếp tục trả hết số tiền còn lại.
Tại tòa, Mây cho rằng một số nội dung cáo trạng không đúng với thực tế của sự việc. Cụ thể, bị cáo không phải là người chủ động đề xuất bà Lan đưa tiền; giữa bà Lan và bị cáo không có sự bàn bạc nào trước mà chính bà Lan là người đưa ra đề nghị, nhờ bị cáo “tìm đường” để tham gia vào các dự án. Bị cáo Mây khẳng định, không dùng tiền của bị hại để sử dụng vào mục đích cá nhân. Bị cáo cũng cho rằng, tất cả số tiền bà Lan đưa, chi vào những gì, chi vào đâu đều được sự đồng ý của bà Lan. Vì vậy, đối với số tiền còn lại, bị cáo sai ở đâu thì hoàn trả lại đến đó, một số tiền thực chi cho công việc bị cáo không thể bồi hoàn. Để làm rõ về số tiền mà bị cáo cho rằng “thực chi cho công việc”, bị hại đề nghị chứng minh, tuy nhiên bị cáo không chứng minh được.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Lê Thị Mây mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo tiếp tục trả cho bị hại số tiền còn lại.
T.HOA