Báo Công An Đà Nẵng

Kim Dotcom và bài học chính trị cay đắng

Thứ tư, 08/10/2014 08:56

(Cadn.com.vn) - Vì sao Kim Dotcom, một triệu phú, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực mạng chuyển hướng sang làm chính trị ở New Zealand, thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9?

Kim Dotcom thâm nhập thế giới nhỏ bé và bình thường trong nền chính trị New Zealand với mục tiêu mang lợi ích toàn cầu đến quốc gia Nam Thái Bình Dương này. Tuy nhiên, cuối cùng, triệu phú người Đức này thất bại thảm hại. Liên minh đảng Internet Mana, mà Dotcom tài trợ lên đến 5 triệu NZD, không thể giành nổi một ghế duy nhất trong 120 ghế Quốc hội New Zealand.

Quá khứ không tốt đẹp

Đảng Internet Mana của Kim Dotcom vận động tranh cử với tiêu chí phản đối giám sát sử dụng Internet, giáo dục đại học miễn phí và cải cách luật pháp về cần sa.

Nhưng các cử tri New Zealand  cho rằng đó là dự án hão huyền được thiết kế chỉ để Dotcom nhận đủ sự ủng hộ chính trị, giữ cán cân quyền lực trong hệ thống bầu cử theo tỷ lệ và đặc biệt là có quyền phủ quyết việc bị dẫn độ sang Mỹ. Các cử tri cho rằng, các tiêu chí này có vẻ như là chiến thuật táo bạo trên giấy, nhưng lại là thảm họa thực tế. Lối sống rực rỡ, hoang phí của Dotcom phá hủy uy tín của đảng Mana, một đảng cánh tả ủng hộ lợi ích người nghèo bản xứ.

Dotcom, người chuyển đến New Zealand trong năm 2010, nổi lên tại quốc đảo nhỏ này bởi lối sống xa hoa bất thường và thói quen vung tiền tại những nơi sang trọng. Ông chi 50.000 NZD cho ứng cử viên thị trưởng Auckland John Banks - vụ việc trở thành chủ đề bị chỉ trích khi ông Banks, sau đó là bộ trưởng, tuyên bố là bất hợp pháp. Dotcom cảm thấy bị xúc phạm do Banks không thừa nhận sự hào phóng của mình, kiện ra tòa. Kết quả, ông Banks thua cuộc.

Biệt thự sang trọng của Dotcom ở phía bắc Auckland bị cảnh sát New Zealand với sự giúp đỡ của các nhân viên FBI lục soát vào tháng 1-2012. Dotcom bị bắt giữ về tội gian lận quyền tác giả và đối mặt với việc dẫn độ sang Mỹ.

Kim Dotcom vận động cho đảng Internet Mana hôm 20-7. Ảnh: CNN

"Gậy ông đập lưng ông"

Được cho tại ngoại, Dotcom thực hiện chiến dịch lấy lòng công chúng - trong đó có chương trình "bơi cùng Kim" tại hồ bơi ở nhà riêng và cùng nhau thu âm các bài hát truyền thống. Tuy nhiên, đối với người New Zealand, Dotcom là sự giả mạo hoàn hảo.

Ban đầu, New Zealand có vẻ tò mò về "người đàn ông mà mọi người đều muốn" như ông công bố tại cuộc mít-tinh bầu cử. Sự nổi tiếng của Dotcom làm chấn động cuộc bầu cử trong một đất nước mà các chính trị gia thành công thường tự hào về phong cách quản lý đặc trưng của các nhà quản lý ngân hàng.

Thu hút bởi âm nhạc và mong muốn gặp gỡ, chụp ảnh với Dotcom, các cử tri trẻ New Zealand đổ xô đến bữa tiệc. Trớ trêu thay, đó là một trong những bữa tiệc khiêu vũ đặt nền tảng cho sự sụp đổ của Kim Dotcom. Dotcom cùng mọi người hát bản thánh ca nói xấu thủ tướng trung hữu John Key. Một đoạn băng lên YouTube và lưu hành rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, khiến nhiều cử tri New Zealand phẫn nộ bởi cách vận động tiêu cực.

Vì vậy, trong cuộc họp công cộng trước thềm bầu cử, hầu hết cử tri quá mệt mỏi với "vai diễn" của mình. Tại cuộc họp, dàn "diễn viên" nước ngoài - bao gồm cả nhà báo Mỹ Glenn Greenwald, kẻ tố giác Edward Snowden và người sáng lập Wikileaks Julian Assange, tiết lộ loạt các tuyên bố kinh ngạc về vai trò của New Zealand trong các vụ gián điệp quốc tế, thông qua liên minh "Five Eyes" với Mỹ. Nhưng đối với hầu hết các cử tri, sự hiện diện của họ chỉ càng nhấn mạnh nguồn gốc nước ngoài của Dotcom và rằng ông đã sai khi can thiệp vào cuộc bầu cử của nước khác.

Hồi tháng 5, Dotcom mô tả đảng của mình là "món quà đối với New Zealand", song sau đó buộc phải thừa nhận rằng chính sự nổi tiếng của mình là "chất độc". Đối với  ông John Key, Dotcom hóa ra là món quà. Những cử tri New Zealand căm ghét Kim Dotcom đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa đảng toàn quốc trung hữu giành chiến thắng vang dội.

An Bình
(Theo Diplomat)