Kinh doanh online: Thị trường ảo, rủi ro thật
(Cadn.com.vn) - Không tốn tiền thuê mặt bằng hay nhân viên bán hàng và đặc biệt sản phẩm không chịu bất cứ các loại thuế phát sinh nào... xu hướng kinh doanh online đang được giới trẻ ưa thích. Thế nhưng, kinh doanh kiểu “thị trường ảo, bán hàng thật” khiến nhiều ông, bà chủ online gặp rất nhiều rủi ro trong việc mua bán.
Cửa hàng... ngập mạng ảo
Facebook, zalo... là những trang mạng xã hội được giới trẻ ưa dùng để mở các cửa hàng online. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là quần áo, giày dép, đồng hồ... và các đồ dùng hand- made độc, lạ. Tất cả đều được biểu thị bằng hình ảnh, việc mua bán rất đơn giản. Khác với thể loại kinh doanh khác, chủ shop online chào hàng bằng cách chụp ảnh rồi đưa lên cửa hàng để tiếp thị. Người mua chỉ có thể cảm nhận hàng cần mua bằng mắt, nếu ưng ý thì liên hệ số điện thoại cửa hàng để nhận hàng tận tay.
Còn là sinh viên thế nhưng Phương Thảo (19 tuổi, Gia Lai) đã là cô chủ nhỏ của cửa hàng bán quần áo trên mạng xã hội từ 4 năm nay. Có máu kinh doanh nhưng vì không có nhiều vốn nên cô quyết định chọn mạng xã hội để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu của mình. “Dù biết kinh doanh online rất khó bán vì giữa chủ và khách hàng chưa từng quen biết mà hàng thật nên việc lấy lòng tin khách hàng không hề dễ dàng. Nhưng bù lại kinh doanh kiểu này ít chi phí lại tranh thủ được thời gian”, Thảo chia sẻ.
Theo Thảo, để kinh doanh thuận lợi thì trước tiên phải tạo được giao diện của shop online gây được ấn tượng đối với khách. Cần có những ý tưởng sáng tạo, hài hước để khách hàng nhớ tới cửa hàng của mình ngay từ khi bắt gặp. Tiếp theo là việc tạo dựng được niềm tin khách hàng, điều này phải trải qua quá trình mua bán dài hạn.
Đó là sự hài lòng về cách phục vụ khách hàng cho đến chất lượng sản phẩm. Vì hình thức mua bán chỉ thông qua hình ảnh nên rất khó cho khách hàng có thể nắm bắt được chất lượng. “Có những lúc khách hàng chọn mua sản phẩm rồi bảo giao hàng nhưng khi đến nơi thì họ không muốn mua vì chất lượng sản phẩm không ưng ý. Thế là công bỏ giữa chợ, hàng bán không được, mà tiền ship hàng thì chẳng ai trả”, Thế An (22 tuổi, chủ cửa hàng online đồ hand- made) tâm sự.
Thói quen của người tiêu dùng Việt là được tận mắt nhìn thấy, sờ tận tay hàng hóa nên việc giao hàng tận nơi để khách kiểm tra là việc làm hết sức cần thiết. Vì bản thân khách hàng bỏ tiền túi để mua hàng thật thì họ không dám tin vào hình ảnh trên màn hình máy tính. Ngoài ra, để có lượng khách hàng đông đảo trên mạng, chủ của hàng online phải biết tận dụng những chiêu thức marketing online.
Từ việc quảng cáo trên google, panper cho đến việc SEO từ khóa, ấn tượng của cửa hàng, đều cần được đầu tư một cách kỹ lưỡng. Văn Hoàng (30 tuổi), có thâm niên gần 10 năm kinh doanh hàng online cho biết: “Tìm kiếm và giữ chân khách hàng là điều quan trọng nhất. Càng nhiều khách hàng thì càng tốt, vì thế cần chiến lược đúng đắn để quảng cáo trên mạng thu hút sự quan tâm của khách. Khi mà mình bán hàng có uy tín thì họ sẽ mách miệng với bạn bè người thân xung quanh. Nhờ thế mà khách hàng ảo sẽ có những lượng khách hàng ruột, thân quen của cửa hàng”.
Để đối phó với chiêu trò cạnh tranh, Hồng Thúy (chủ của hàng quần áo online) chọn cách nhắn tin để biết giá sản phẩm. |
Thị trường ảo, nỗi lo thật
Việc kinh doanh online không tốn tiền chi phí thuê mặt bằng và nhân viên bán hàng nhưng rất dễ thua lỗ do lượng khách không ổn định. Để giữ chân những vị khách tham quan cửa hàng rất khó và việc thuyết phục họ mua hàng dài hạn càng khó hơn. Điều này dẫn đến hàng tồn đọng phải bán phá giá dẫn đến thua lỗ. “Lượng khách của shop online không ổn định, tháng nào có nhiều khách tham quan shop thì bán được nhiều, còn có khi nhập cả lô hàng về chẳng bán được cái nào. Dẫn đến việc tồn hàng, mà nhu cầu của người Việt rất dễ lỗi thời nên hàng tồn chỉ bán được nửa giá để vớt vát tiền vốn”, Hà Anh (24 tuổi) than vãn.
Việc kinh doanh online luôn phải dè chừng một hiểm họa khôn lường đó là hacker, virus. Khi trao đổi với khách hàng qua mạng xã hội rất dễ gặp các vấn đề virus khiến cho việc mua bán gián đoạn. Điều này rất dễ gây mất thiện cảm với khách, vì họ thường nghĩ rằng việc kinh doanh của cửa hàng chậm chạp, tốn thời gian, dẫn đến cửa hàng mất những khách quen. “Đôi lúc cũng có những đối tượng chuyên đi hack tài khoản của những người bán hàng online nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách mua hàng. Để tránh những điều đáng tiếc trên, người kinh doanh online như chúng tôi rất coi trọng tính bảo mật cá nhân cửa hàng, nó giống như trang bị 1 ổ khóa hoặc camera như cửa hàng thật vậy”, Trung (cửa hàng giày dép) phân trần.
Để việc mua bán diễn ra công khai và nhanh chóng, đa số các chủ cửa hàng online đều niêm yết giá sẵn trên mặt hàng. Tuy nhiên, đây là kẽ hở để nhiều cửa hàng kinh doanh tung ra những chiêu trò cạnh tranh. Khi thấy một món hàng đưa giá công khai, không ít các shop khác sẵn sàng cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm cửa hàng của mình xuống một vài chục, lãi ít hơn nhưng kéo được khách của người khác.
“Cùng một mặt hàng nhưng có nhiều loại khác nhau. Cửa hàng bán hàng chất lượng giảm thì thường tung ra các chiêu trò giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Nhiều khách cứ comment là cửa hàng mình bán hàng đắt nhưng thực ra cái gì cũng có cái giá của nó”, Trang (chủ cửa hàng quần áo) tâm sự. Để giải quyết những hiểu lầm trên, Trang chọn cách muốn mua hàng thì khách nhắn tin hỏi giá chứ không có giá niêm yết, nhưng xem ra cách này không khả quan mấy vì không thu hút được khách hàng trên thị trường ảo.
Để cạnh tranh, có nhiều trường hợp chủ kinh doanh đóng vai khách hàng tạo tài khoản giả, tung tin đồn giả làm giảm uy tín của các shop online khác.Tâm lý đám đông của những “cư dân mạng” ảnh hưởng không ít đến việc kinh doanh của những người bán hàng bị áp đặt tin đồn xấu. Chính vì vậy, nếu không có kinh nghiệm thì việc phá sản của các chủ cửa hàng online trẻ là rất phổ biến.“Có lần khách hàng lạ cứ comment dưới sản phẩm chê hàng của cửa hàng mình là hàng giả, dùng bị dị ứng rồi giá thì cắt cổ mà cách phục vụ, giao hàng không được nhiệt tình. Nhưng kiểm tra thông tin khách hàng thì khách này chưa bao giờ mua hàng của mình. Để tránh trường hợp này mình phải nhờ những khách hàng quen phản hồi kết quả sử dụng để lấy lại lòng tin khách hàng”. Như Hà (chủ cửa hàng mỹ phẩm) ấm ức.
Việc kinh doanh “thị trường ảo, bán hàng thật” rất tiện lợi và khá phổ biến, thế nhưng nếu không cẩn trọng thì việc thua lỗ dẫn đến phá sản là rất phổ biến. Vì vậy, chủ cửa hàng online cần có chiến lược kinh doanh hợp lý.
Hoài Thanh