Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế Đà Nẵng duy trì đà phục hồi ổn định

Thứ ba, 01/11/2022 10:52

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Đà Nẵng tháng 10-2020 đạt 5.864 tỷ đồng, tăng hơn 3,1%.

Nhiều chỉ số ấn tượng

Hoạt động sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn so với tháng trước và cùng kỳ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 -2022 ước tăng 4,4% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì mức tăng 5,9%. Một số ngành hàng tăng trưởng mạnh như sản xuất đồ uống (+82,9%), sản xuất kim loại (+28,7%), sản xuất kim loại đúc sẵn (+41,9%).

Không chỉ sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, các hoạt động đầu tư cũng diễn ra sôi động. Số liệu cho thấy trong tháng 10-2022, Đà Nẵng đã cấp mới chứng nhận đăng ký cho 370 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 2.225 tỷ đồng, tăng hơn 60% về số doanh nghiệp và tăng hơn 194% về vốn so với cùng kỳ. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã cấp chứng nhận mới choc ho 3822 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ 19.685 tỷ đồng, tăng hơn 32% về doanh nghiệp và tăng hơn 37% về vốn. Các dự án mới thu hút đầu tư vào Đà Nẵng cũng tăng mạnh về vốn. Tính từ đầu năm đến 15-10, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.876 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng 267,7% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 10 có 3 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 1.531 tỷ đồng. Về vốn FDI, từ đầu năm đến nay TP thu hút được 39 dự án mới với vốn đăng ký đạt 68,8 triệu USD.

Các hoạt động sản xuất, đầu tư sôi động đã góp phần giúp Đà Nẵng thu ngân sách ấn tượng, vượt kế hoạch trước 2 tháng. Cụ thể, tổng thu ngân sách tới ngày 20-10 của Đà Nẵng đạt 19.396 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động thu nội địa tiếp tục duy trì mức tăng 2 con số, tăng 20,8% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 15.332 tỷ đồng. Một số khoản thu trọng yếu có tỷ lệ tăng thu so với cùng kỳ khá ấn tượng, cụ thể như thu từ thuế thu nhập cá nhân (+37,3%), thu từ doanh nghiệp FDI (+26,1%), thu về nhà, đất (+29,3%). Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn được duy trì ổn định và đạt những kết quả tích cực. Trong 10 tháng năm 2022, khoản thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Đà Nẵng tăng 16,9% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 3.847 tỷ đồng. Điều này đã đóng góp tích cực cho mức tăng thu ngân sách của Đà Nẵng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng duy trì tăng trưởng ổn định.

Ngành dịch vụ giảm do thời vụ

Với tính chất hoạt động mùa vụ, cùng những đợt mưa bão liên tiếp, kéo dài đã làm cho hoạt động du lịch tại Đà Nẵng thời gian qua có xu hướng giảm, một số chỉ tiêu về doanh thu, lượt khách, ngày khách không đạt như kỳ vọng. Cụ thể tháng 10-2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng đạt khoảng 1.580 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước. Doanh thu lưu trú giảm chủ yếu do tính chất thời vụ, thời điểm tháng 10 hằng năm rơi vào mùa mưa ở miền Trung nên lượng khách tham quan du lịch đã giảm đáng kể. Mặt khác, do hầu hết các nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng chịu sự tác động trực tiếp từ hoạt động du lịch nên khi doanh thu ngành du lịch giảm, ít nhiều đã làm ảnh hưởng tới nhóm dịch vụ tiêu dùng. Cụ thể doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 của Đà Nẵng chỉ đạt 2.475 tỷ đồng, giảm 6,7% so với tháng trước. Trong đó một số nhóm ngành có mức giảm sâu như dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 8,4%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm 10,6%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,2%.

Trong 10 tháng qua, doanh thu của dịch vụ tiêu dùng khách chiếm tỷ trọng rất lớn với 19.576 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực dịch vụ bất động sản tăng tới 149%. Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có thành phố Đà Nẵng, tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do giá bán ngày càng tăng cao, nguồn cung mới trong tháng được phân bổ ít, cùng với đó việc tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản của cơ quan quản lý nhà nước, cộng thêm tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn với những rủi do thường trực... đã tác động đến hoạt động giao dịch bất động sản của các nhà đầu tư trên địa bàn, làm cho doanh thu trong tháng 10 sụt giảm so với tháng trước. Tương tự, do tác động của giá xăng dầu thế giới, doanh thu ngành dịch vụ vận tải của Đà Nẵng tháng qua cũng giảm khoảng 1,8% (tổng doanh thu đạt 1852 tỷ).

Mặc dù lĩnh vực dịch vụ (chiếm hơn 65% trong cơ cấu kinh tế TP) có mức tăng trưởng giảm trong tháng 10, tuy nhiên điều này chỉ mang tính thời vụ. So với cùng kỳ, mức tăng trưởng ngành dịch vụ từ đầu năm đến nay vẫn khá cao, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế TP nhanh hơn. Chẳng hạn về dịch vụ du lịch, 10 tháng qua Đà Nẵng thu hút gần 3,1 triệu lượt khách, tăng trên 182%. Tính chung tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 10 tháng đạt gần 91 ngàn tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ. Tương tự, tổng doanh thu ngành vận tải, bưu chính đạt hơn 18,9 ngàn tỷ đồng, tăng trên 30%.

Từ những số liệu cho thấy, kinh tế Đà Nẵng đã phục hồi ấn tượng sau đại dịch và đang duy trì mức tăng trưởng ổn định.

HẢI QUỲNH