Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế Đà Nẵng giữ vững đà tăng trưởng

Thứ sáu, 30/06/2023 06:40
Sau 3 năm trở lại, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã thu hút đông đảo du khách tới TP.

Quy mô kinh tế mở rộng

Trong bối cảnh sự phục hồi khá chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp, khó khăn trong xuất khẩu… thì mức tăng trưởng GRDP 3,7% của Đà Nẵng so với cùng kỳ là kết quả đáng ghi nhận. Kết quả này cũng phản ánh nỗ lực của TP sau nửa chặng đường thực hiện chủ đề năm khơi thông các nguồn lực đầu tư, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đáng chú ý, quy mô kinh tế Đà Nẵng đã mở rộng hơn 13 ngàn tỷ đồng (tăng 13,5%) so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch).

Điểm sáng kinh tế nổi bật của Đà Nẵng 6 tháng qua là sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ, nơi chiếm khoảng 65% trong cơ cấu kinh tế. Thống kê cho thấy có 16/21 ngành kinh tế cấp 1 của Đà Nẵng có tăng trưởng dương. Đáng kể như lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 33%; vận tải, kho bãi tăng hơn 12%; tài chính, ngân hàng tăng 7%... Cụ thể, do nhu cầu đi lại và mua sắm tiêu dùng của người dân, du khách tăng cao trong dịp lễ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải tăng trưởng, doanh thu vận tải đạt hơn 13,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 30%. Tương tự, với nhiều sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch mới, đặc biệt lễ hội pháo hoa được tổ chức trở lại đã thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng (4 đêm pháo hoa thu hút 240 ngàn khách lưu trú). Tổng số lượt khách lưu trú trong 6 tháng tại Đà Nẵng hơn 3,5 triệu lượt (930 ngàn lượt khách quốc tế). Điều này đã góp phần giúp doanh thu lưu trú đạt hơn 4,2 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 76%), doanh thu ăn uống đạt hơn 5,3 ngàn tỷ đồng (tăng gần 31%).

Bám sát chủ đề của năm 2023, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực về đất đai, tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện kết luận thanh tra, bản án; tháo gỡ vưỡng mắc về quy hoạch, xây dựng; tích cực xúc tiến đầu tư. Theo đó, TP đã thu hút được 15 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 38,8 ngàn tỷ đồng. Như vậy Đà Nẵng hiện có 760 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 210 ngàn tỷ đồng; 1.009 dự án FDI tổng vốn hơn 4 tỷ USD.

Vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Một số lĩnh vực kinh tế của Đà Nẵng (chiếm 38% trong cơ cấu kinh tế) hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như sản xuất công nghiệp (giảm 2,9%), xây dựng (giảm 13%), thương mại (giảm 9%), bất động sản (giảm 25%)… Kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chi phí gia tăng... là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, hoạt động xây dựng giảm mạnh cũng tác động đến một số sản phẩm công nghiệp có liên quan như sắt thép, bê-tông, xi-măng, gạch đá… Vốn ngoài Nhà nước thực hiện đầu tư tại Đà Nẵng trong 6 tháng qua chỉ đạt khoảng 8 ngàn tỷ đồng, đã giảm gần 30% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư xây dựng của doanh nghiệp giảm gần 25%; vốn của dân cư giảm hơn 42%; số giấy phép xây dựng do Sở xây dựng cấp phép giảm 77%, do quận huyện cấp xây dựng nhà ở giảm 37%... Đặc biệt, với Đà Nẵng, giá trị tăng thêm của ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 4,3% GRDP) đã giảm sâu tới 25% do thị trường đóng băng.

Có thể thấy, một số lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng trong GRDP của Đà Nẵng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề hậu đại dịch, đối mặt với vô vàn khó khăn, cần sớm có các giải pháp kích thích phục hồi. Trong đó, khó nhất với doanh nghiệp vẫn là nguồn vốn để tái đầu tư trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng cao hơn thời điểm trước, việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% gặp nhiều khó khăn....

Trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, do giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường đóng băng, tiếp cận nguồn vốn khó khăn do siết chặt cho vay của các ngân hàng… đã khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Chưa kể, một số dự án vướng mắc đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án chờ được tháo gỡ; một số dự án Bộ Xây dựng đang phê duyệt thiết kế cơ sở phải chờ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu như Danang Landmark, Khách sạn Sunrise Plaza; một số dự án chờ hoàn thành quy hoạch phân khu để thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo...

Những khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến các doanh nghiệp tập trung khôi phục hoạt động tại các dự án đang tạm dừng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút đầu tư các dự án mới của TP. Bên cạnh đó, quỹ đất lớn để thu hút đầu tư của TP còn khá hạn chế, vướng mắc; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Từ thực trạng trên cho thấy, để khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, duy trì đà tăng trưởng đạt mục tiêu năm 2023, TP cần giải pháp mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản, xuất khẩu…

HẢI QUỲNH