Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế Eurozone đối mặt nguy cơ suy thoái

Thứ tư, 07/12/2022 10:43
Người tiêu dùng châu Âu cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng vọt. Ảnh: THX

Triển vọng ảm đạm

Theo dữ liệu do S&P Global mới công bố, chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Eurozone tăng từ mức 47,3 trong tháng 10 - mức thấp nhất trong 23 tháng - lên 47,8 trong tháng 11. Dù tăng nhưng chỉ số này vẫn dưới ngưỡng 50, thể hiện hoạt động kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Nhà kinh tế trưởng của S&P Chris Williamson cảnh báo hoạt động kinh doanh tháng 11 tiếp tục giảm làm gia tăng nguy cơ kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, ông Williamson đánh giá suy thoái chỉ ở mức nhẹ, với dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm khoảng 0,2%.

Theo kết quả thăm dò do Reuters tiến hành tháng trước, các chuyên gia kinh tế cho rằng khoảng 78% khả năng kinh tế khu vực sẽ rơi vào suy thoái trong 1 năm. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 0,4% trong quý này.

Tháng trước, Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni đã đưa ra cảnh báo rằng triển vọng kinh tế châu Âu trong năm tới "suy yếu đáng kể" và hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy thoái trong quý 4 năm 2022. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ) ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm tới, ông Gentiloni cho biết nền kinh tế EU hiện đang bước vào "một bước ngoặt". "Dự báo mùa Thu" của EC cho rằng sản lượng kinh tế của EU sẽ suy giảm trong ba tháng cuối năm nay và những tháng đầu năm 2023.

Sự không chắc chắn gia tăng, áp lực của việc giá năng lượng cao, sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn, môi trường bên ngoài yếu hơn và điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến sẽ đẩy EU, Eurozone và hầu hết các nước thành viên vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm 2022. Đối với toàn bộ năm 2023, EC dự báo dự báo tăng trưởng GDP thực tế ở cả khu vực EU và Eurozone ở mức 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức 1,5% và 1,4% được đưa ra trong dự báo trước đó vào tháng 7.

Ông Gentiloni cho biết, nền kinh tế EU đã mất đà trong quý 3 vừa qua và dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy nhiều khả năng sự suy giảm sẽ xuất hiện trong mùa Đông này. Thêm vào đó, lạm phát tại châu Âu tiếp tục tăng nhanh hơn dự kiến. Việc áp lực giá cả gia tăng liên tục trong 10 tháng kể từ đầu năm nay đã chuyển mức đỉnh lạm phát dự kiến sang quý 4 năm nay, đồng thời nâng dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm lên 9,3% ở EU và 8,5% ở Eurozone. Lạm phát tại châu Âu dự kiến sẽ giảm vào năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao là khoảng 7% ở EU và 6,1% ở Eurozone.

Hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu

Ngày 5-12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEO) của Fitch Rating có đoạn: "Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi". Fitch cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% "bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng". Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do "triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu". Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 vẫn ở mức 2,8% "do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng gây áp lực lên các hoạt động trong ngắn hạn".

Dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu dịu bớt, song việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu. Fitch Ratings cho rằng nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong mùa Đông này đã giảm xuống do nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) tăng và tiêu thụ khí đốt giảm. Ngoài ra, lạm phát thời gian gần đây ở khu vực đồng euro và Anh đã đạt 11%, và lạm phát cơ bản đã đang tăng lên. Fitch Ratings ước tính lạm phát chung sẽ giảm đáng kể vào năm 2023 khi giá lương thực và năng lượng ổn định.

Báo cáo của Fitch Ratings cũng dự đoán lãi suất cơ bản do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ấn định sẽ đạt đỉnh ở mức 5% và trong trường hợp của ECB là 3%.

AN BÌNH