Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng

Thứ năm, 23/12/2021 15:30

Chiều 22-12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng toàn ngành Thông tin và Truyền thông về những nỗ lực, góp phần không nhỏ vào việc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Nhắc đến câu chuyện 30 năm trước, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, các thế hệ người lao động ngành Bưu điện là người tiên phong, Phó Thủ tướng cho rằng, giờ đây, bước sang thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một lần nữa, ngành Thông tin và Truyền thông lại được trao sứ mệnh tiên phong. Năm 2022, ngoài sứ mệnh tiên phong, ngành Thông tin và Truyền thông còn có vai trò đồng hành, thúc đẩy.

Theo một công bố mới đây cho thấy, năm 2021, kinh tế số số Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31%, lên 21 tỷ USD và đang cùng Indonesia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay. Dự kiến đến năm 2025 sẽ tiếp tục đạt 57 tỷ USD. Đây là điều đáng mừng, bởi Thế giới đã đánh giá Việt Nam đã có sự bứt phá nhưng cũng rất đáng lo bởi điều này chỉ mang tính dự báo. Phó Thủ tướng nêu thực tế và khẳng định: "Sẽ có những khó khăn không lường trước được nhưng tin rằng với sự chuẩn bị và tinh thần vượt khó, chúng ta sẽ vượt qua".

Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Không chỉ đồng hành, tiên phong, mở đường, ngành Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các địa phương, doanh nghiệp. Năm 2022, cần làm mạnh hơn về công tác dữ liệu, bởi đây là vấn đề sống còn trong công nghệ thông tin. Theo đó, ngành Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường hoàn thành các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp và đất đai. Hoàn thành ba cơ sở dữ liệu đó, cộng với thanh toán điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số sẽ có bước phát triển thực chất.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh cũng như nền tảng về thương mại điện tử, dạy học trực tuyến. Hiện nay các ứng dụng của Việt Nam chưa chiếm được nhiều thị phần so với các ứng dụng của nước ngoài. Năm 2022, ngành phải đẩy mạnh, hoàn thiện các nền tảng của Việt Nam - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ và lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các sản phẩm công nghệ số "made in Việt Nam" để các nền tảng ngày càng hoàn thiện trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trọng tâm được ngành Thông tin và Truyền thông đặt ra là đến hết năm 2022 trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng là Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng, vận hành hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ; hệ thống thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử; hệ thống tự động phân tích hành vi và hỗ trợ xử lý mã độc; hệ thống Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo về hoạt động kiểm định an toàn thông tin; ứng dụng Internet an toàn...

Trong lĩnh vực báo chí - Truyền thông, ngành tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển; đề xuất sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho các cơ quan báo chí. Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện, xác minh được trên mạng xã hội đạt 85-90%; thực hiện công tác đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới; rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Ngành nghiên cứu, tổ chức triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở trong Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và vận hành một số cấu phần của Hệ thống thông tin nguồn Trung ương...

 TTXVN