Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế suy giảm vì nCoV (Bài 2: Nỗi buồn nông sản)

Thứ tư, 12/02/2020 16:15

Đại dịch nCoV khiến hàng ngàn tấn nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu, rớt giá thê thảm ngay trên các cánh đồng khi thương lái ngừng thu mua. Một lần nữa, bài toán đa dạng hóa đầu ra cho nông sản, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc được nhắc tới, nhưng việc chuyển đổi có đơn giản?

Hàng ngàn tấn dưa hấu ở Gia Lai rớt giá thê thảm vì không xuất được sang Trung Quốc do dịch nCoV. 

Rớt giá thê thảm

Phần lớn nông sản của Việt Nam vẫn xuất tươi, trực tiếp sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trước diễn biến của dịch nCov, thương mại qua các cửa khẩu với Trung Quốc bị hạn chế, tạm đóng cửa dẫn tới khủng hoảng thừa đầu ra, rớt giá thê thảm. Hai loại trái cây bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất trong thời điểm hiện nay là thanh  long và dưa hấu. Tại vựa thanh long tỉnh Long An hiện đã thu hoạch gần 22 ngàn tấn (đợt tiếp theo khoảng 54 ngàn tấn), trong khi đầu tháng 3 tới, tại Bình Thuận sẽ thu hoạch khoảng 100 ngàn tấn. Do bị tắc đầu ra, giá thanh long đang từ 40-50 ngàn đồng/kg bị ép xuống còn 20 ngàn đồng/kg, thậm chí tới 5-6 ngàn đồng/kg.

Ghi nhận của .PV tại vựa dưa hấu khoảng 1.000 ha ở Gia Lai, thương lái không tới thu mua khiến giá tụt dốc không phanh. Ngồi trên cánh đồng dưa hấu đang kỳ thu hoạch, ông Lê Văn Lâu (1965, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai) bần thần chia sẻ: “Chúng tôi thuê đất 3 tháng với giá 25 triệu đồng/1ha đã trả trước rồi. Mỗi héc-ta dưa hấu chúng tôi đầu tư khoảng 160 triệu đồng từ tiền giống, phân bón, công chăm sóc… thế mà giờ này không có ai đến hỏi mua, vài ba hôm nữa không bán được sẽ hỏng hết”. Cũng theo ông Lâu, thời điểm giá dưa tốt được thu mua tại chân đồng từ 7– 9 ngàn đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn còn 500 – 1.300 đồng/kg. Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hoa rầu rĩ nói: Vụ này gia đình tôi đầu tư 300 triệu đồng xem như mất trắng. Dưa tới kỳ thu hoạch, gọi thương lái họ lắc đầu bảo bên Trung Quốc đang dịch nCoV, không chở dưa  sang đó bán được.

Chủ tịch UBND xã Ia Broăi (H.Ia Pa), ông Bùi Văn Ngọc cho biết, trên địa bàn toàn xã có 72ha dưa hấu, trong đó có khoảng 20ha đã cho thu hoạch trước Tết với giá 5 ngàn đồng/kg,  người dân vẫn có lãi. Tuy vậy, hiện còn trên 50ha dưa hấu có khả năng người dân mất trắng vì thương lái không đến thu mua. Nhiều hộ trồng đã bỏ mặc đồng dưa đang vào kỳ thu hoạch do không ai mua, một số hộ còn cầm cự chờ các tiểu thương đến thu mua nhằm vớt vát chút tiền đầu tư. Thế nhưng, với mức giá còn khoảng trên dưới 1 ngàn đồng/kg thì người trồng vẫn lỗ nặng. Ước vụ dưa này thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V, chuyên gia kinh tế quốc tế Phan Thanh Hoàn (Đại học Kinh tế Huế) nói rằng, xét về thương mại, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu của Việt Nam. Thương mại 2 chiều qua biên giới (chính ngạch và tiểu ngạch) đều rất lớn, nhất là nông sản chưa qua chế biến, hàng tiêu dùng. Chỉ cần thị trường Trung Quốc có biến động về thiên tai, dịch bệnh, nông sản xuất qua các cửa khẩu bị gián đoạn thì ngay lập tức giá nông sản trong nước giảm, thiệt hại trực tiếp tới nông dân. Do đó, bài toán tìm hướng ra bền vững cho nông sản đã được cảnh báo nhiều, song thực tế chuyển biến còn chậm.

Tìm thị trường mới ngoài Trung Quốc, các chuyến xe chở chuối sang Lào, Thái Lan vẫn được thông quan đều đặn qua cửa khẩu Lao Bảo.

Cơ hội để chuyển hướng?

Chuyển hướng tìm đầu ra cho nông sản vào các thị trường khác thay vì phụ thuộc vào một thị trường, dù đó là thị trường  lớn như Trung Quốc luôn là giải pháp hàng đầu với nông sản. Đơn cử như xuất khẩu chuối, bất chấp việc gặp khó khi xuất sang Trung Quốc do dịch nCoV thì vẫn còn thị trường khác lân cận như Lào, Thái Lan. Ghi nhận của P.V tại Lao Bảo, cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông Tây những ngày này, nhiều chuyến xe chở chuối vẫn được đều đặn xuất qua Lào, Thái. Chị Nguyễn Thị Sương ở chợ chuối Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: Cứ nhìn bà con tấp nập chở chuối về chợ là hiểu những chuyến xe chở chuối xuất sang Lào, Thái vẫn thuận lợi. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chi Cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 500 lượt phương tiện qua lại cửa khẩu, cá biệt có ngày gần 400 lượt phương tiện xuất cảnh, chở hàng hóa qua Lào. Trong số đó, các chuyến xe chở nông sản, đặc biệt là chuối vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Nông sản là ngành đặc thù vì mang tính thời vụ cao, dễ hư hỏng, do vậy khâu bảo quản kho bãi, xe đông lạnh phải tốt mới có thể tránh tình trạng được mùa rớt giá. Khủng hoảng thừa nông sản do dịch nCoV cũng được xem là cơ hội để tái cơ cấu, chuyển hướng cho nông sản, đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực chế biến, bảo quản và logistics (lưu thông). Hiện số lượng kho bãi đủ tiêu chuẩn bảo quản nông sản khá khiêm tốn, như vựa nông nghiệp ĐBSCL chỉ có 6 kho bãi, dưới 10 ha. Trong khi đó, cả nước có 83 chợ đầu mối, nhưng chẳng chợ nào có kho bảo quản nông sản. Đáng nói trong số 4.000 DN logistics (khá ít ỏi) cả nước, chỉ có 700 xe lạnh, như vậy số lượng nông sản được vận chuyển trong điều kiện tiêu chuẩn rất hạn chế.

Hàng trăm container chở thăng long vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu chưa thể xuất sang Trung Quốc do dịch nCoV. 

Ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai chia sẻ, bài học từ vụ dưa hấu đặt ra yêu cầu tìm kiếm thị trường ngoài Trung Quốc rất lớn. Mà muốn vậy, trước hết cần hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật cao trong trồng trọt, sơ chế, chế biến tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao với thế giới. Kế tiếp, cần chuyển đổi cây trồng ngắn hạn sang cây lương thực có khả năng tích trữ lâu dài, có thể làm chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, một số mặt hàng khác như chuối, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Có cho biết đã hướng dẫn các DN, hộ kinh doanh, nông dân các phương pháp bảo quản, như bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay.

Câu chuyện nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc luôn bấp bênh trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người nông dân. Đơn cử như việc xuất khẩu mủ cao su sang Trung Quốc những năm trước. Từ thời điểm cao su được xem là “vàng trắng” khi Trung Quốc là thị trường chính, thì đến năm 2012 Trung Quốc dừng nhập khẩu và nhập khẩu cầm chừng khiến tình trạng giá cao su rớt giá thê thảm. Đến nay, dù sau 8 năm nhiều DN, người dân Tây Nguyên vẫn chưa gượng dậy sau khi đã đầu tư lớn vào những diện tích cao su. Việc tìm thị trường cho sản phẩm này vẫn là “bài toán” nan giải.

Sau mỗi lần biến động từ thị trường Trung Quốc, bài toán tìm đầu ra bền vững cho nông sản lại dấy lên, song dường như những giải pháp chuyển đổi vẫn diễn ra đầy khó khăn và chậm trễ. Những đợt giải cứu dưa hấu cho nông dân lại diễn ra, song đây chỉ là biện pháp giật gấu vá vai tạm thời.

NHÓM PV