Báo Công An Đà Nẵng

Kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch

Thứ tư, 30/09/2020 23:17

Đó là nhận định của các đại biểu dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 29-9.

Các đại biểu, diễn giả tham dự Diễn đàn. 

Thay đổi tư duy để vượt lên phía trước

Diễn đàn có hai phiên thảo luận với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020. Đó là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển. Trước thực tế đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Kinh tế vĩ mô cũng được duy trì ổn định, GDP đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có. “Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” và cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải có “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.

Phải tối ưu hóa sử dụng FDI

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, luôn có cơ hội từ các cuộc khủng hoảng, đó là thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc. Thách thức đối với Việt Nam là không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. “Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình này thông qua đề án dịch vụ công quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái bao trùm”, bà Carolyn Turk nói.

Nêu hàm ý của những thách thức và cơ hội do Covid-19 tạo ra đối với Việt Nam, TS. Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB cho rằng, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng với CPTPP và EVFTA. Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam.

Phân tích về các kết quả kinh tế Việt Nam thời gian qua, bà Kwakwa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch. “Tuy nhiên, vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện”, chuyên gia của WB nhận định. 

Theo ước tính của WB, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng 2 lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

V.N.P