Báo Công An Đà Nẵng

Kịp thời phản ứng trước việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

Thứ năm, 13/08/2015 09:47

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ thông báo tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (CNY) xuống còn 6,3306 CNY/USD. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, PBOC có động thái can thiệp mạnh vào tỷ giá nội tệ. Trước đó, ngày 11-8, Trung Quốc đã điều chỉnh từ 6,1162 CNY xuống còn 6,2298 CNY đổi được 1 USD.

Sau động thái của Trung Quốc, Bloomberg cho biết, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Cổ phiếu các Cty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông mất 0,9%, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,05%. Các đồng tiền khác như AUD (Úc) và WON (Hàn Quốc) đồng loạt giảm ít nhất 1%, đồng INR (Ấn Độ), SGD (Singapore) và JPY (Nhật) cũng giảm theo. Liệu rằng, tỷ giá VND có bị cuốn vào hiệu ứng domino này không?

Tăng biên độ tỷ giá

Ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quyết định tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% kể từ ngày 12-8-2015 (Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở  21.673 VND/USD, tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Ngay từ đầu năm, trên cơ sở phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, NHNN đã định hướng điều hành tỷ giá tăng không quá 2%. Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2%, từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD (7-1) và mức 21.673 VND/USD (7-5) nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ tổng thể của kinh tế vĩ mô, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá theo định hướng đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, với việc CNY tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 1,6% trong ngày 12-8-2015, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, kéo theo một loạt đồng tiền Châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc phá giá CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá ngày 12-8 nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 12-8, NHNN Việt Nam quyết định tăng biên độ tỷ giá để bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Trong ảnh: Một góc cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), một trong những cửa ngõ xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc. 

Các ngân hàng đồng loạt tăng tỷ giá!

Sau quyết định nới biên độ +/- 2% của NHNN, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại đồng loạt vượt ngưỡng 22.000 đồng, thậm chí cao hơn cả giá USD tự do. Vietcombank, BIDV báo giá USD ở mức 21.960 đồng (mua vào) và 22.040 đồng (bán ra). Eximbank niêm yết giá USD ở các mức tương ứng lần lượt là 21.980 đồng và 22.100 đồng. Vietinbank là 21.970 - 22.040 đồng, DongABank là 21.940 - 22.040 đồng, ACB là 21.980 - 22.100 đồng... So với ngày trước đó, tỷ giá đã tăng khoảng 200 đồng. Một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do tại Hà Nội mua vào ở mức 21.970 đồng, bán ra 22.030 đồng (bán ra). So với ngày trước đó, giá USD tự do tăng 120 đồng ở chiều mua và tăng 160 đồng ở chiều bán.

Với cú sốc giảm giá khá mạnh của CNY, giá vàng thế giới cũng lội ngược dòng, tăng trở lại. Phiên giao dịch ngày 12-8, giá vàng bắt đầu có dấu hiệu tăng cao, chạm mốc 1.118 USD/oz, mức tăng mạnh nhất trong hơn 7 tuần qua. Ở trong nước, giá vàng SJC ngày 12-8 tăng đến 540.000 đồng/lượng so với ngày trước đó. Tương đương 33,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Liệu rằng, một “cuộc chiến tranh tiền tệ” có thể xảy ra khi Trung Quốc bất ngờ “châm ngòi” phá giá đồng tiền của mình? Cho dù thế nào đi nữa, việc điều chỉnh giảm CNY của Trung Quốc không đủ sức để FED từ bỏ ý định tăng lãi suất. Hiện các nhà đầu tư vẫn đang bỏ vàng để đặt cược cho đồng USD với kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, các quốc gia tìm mọi cách giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình, kinh tế thế giới có nguy cơ bất ổn hay không vẫn là câu hỏi lớn đang còn chờ ở phía trước?

Văn Khoa