Kon Tum dành 24 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2024-2025
Nguồn kinh phí trên được bố trí từ ngân sách Nhà nước hàng năm cho các địa phương từ hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án khác có liên quan.
Trong hơn 8.700 người được đào tạo nghề, có trên 8.500 người được đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng; 205 người là Giám đốc các Hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo sơ cấp nghề.
Việc đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người lao động và gắn với hiệu quả giải quyết việc làm sau học nghề và chỉ tổ chức dạy những nghề xác định được nơi làm việc có khả năng nâng cao thu nhập cho người lao động sau học nghề.
Được biết, giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh Kon Tum đã đào tạo nghề cho hơn 6.300 lao động tại thành phố Kon Tum và các huyện: Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông; trong đó chủ yếu là đào tạo nghề nông nghiệp, với hơn 4.700 lao động được đào tạo.
Dư Toán