Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ bí Ngọc Linh (4)

Thứ năm, 16/04/2015 09:30

* Kỳ 4: Chuyện ở thủ phủ sâm quý

(Cadn.com.vn) - Núi Ngọc Linh còn huyền bí hoang sơ, nhưng cũng đầy tiềm năng cho những ý tưởng, dự án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội... Chính vùng núi còn đầy kỳ bí này đã và sẽ xóa đói giảm nghèo cho cả một vùng rộng lớn cộng đồng người dân bản địa, đó chính là tiềm năng vô cùng to lớn từ cây sâm Ngọc Linh, từ những ý tưởng, dự án phát triển du lịch sinh thái...

Những thông điệp của già làng Du trong đêm thứ 2 ở đỉnh Ngọc Linh đã không thừa. Đêm ấy, xuất hiện con thú rất lớn nhiều lần đi vòng quanh khu vực chúng tôi đóng trại. Tuy không ai dám ra ngoài để quan sát, nhưng mùi đặc trưng của con thú trong đêm và cả dấu chân của nó đã được già Du và nhiều thành viên trong đoàn phát hiện. Những thanh niên Xơ Đăng trong đoàn khẳng định, nếu đoàn ít người, nhất định con thú sẽ "lôi" người vào rừng, nhưng có lẽ mọi người trong đoàn đều cẩn trọng, không phá vỡ cảnh quan, môi trường nơi loài thú rừng đang cư ngụ nên nó không nổi giận.

Thu dọn nơi nghỉ đêm sạch sẽ, Trưởng đoàn Hồ Quang Bửu thông báo, sẽ tổ chức lễ cắm cờ đánh dấu chuyến công tác trên đỉnh núi. Lễ thượng cờ nhanh chóng được triển khai trang trọng. Đứng trên nhánh thông cao giữa đỉnh núi, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My - Hồ Quang Bửu dõng dạc như tuyên thệ với trời đất đã cùng đoàn công tác tới được nơi hùng thiêng của Tổ quốc, mọi thành viên trong đoàn ai cũng lâng lâng cảm giác vừa xúc động vừa tự hào vì nghị lực của mình đã thắng được với gian nan...

Chủ tịch UBND Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cắm cờ Tổ quốc trên đỉnh cao 2.560m
của núi Ngọc Linh.

Chúng tôi tiếp tục xuất quân nhằm hướng ngọn núi thứ 3 của Ngọc Linh thẳng tiến. Ngày thứ 3 của chuyến đi đã đỡ lo hơn, vì ngọn núi này già làng Du đã từng đến vài lần. Sau hơn 3 giờ, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh núi, đồng hồ chỉ độ cao đo được 2.592m. Đỉnh ngọn núi này hầu như không có cây cối gì, chỉ có một vài cây thông nhỏ khẳng khiu, những bụi cây mua, cây dại mọc lúp xúp trên vạt đất bằng phẳng rộng chừng mấy trăm mét vuông. Không có cảm giác thâm u, huyền bí như hai ngọn núi chúng tôi đã đi qua, nhưng đỉnh Ngọc Linh này thật hùng vĩ, lung linh bởi những đám mây trắng bồng bềnh trôi ngang sườn núi. Đứng trên đỉnh, trời nắng có thể quan sát rõ cảnh vật bốn phía, ngay dưới chân núi phía Tây Nam thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang, những mái nhà tôn bắt nắng lấp lóa của đồng bào Xơ Đăng, thuộc xã Mương Hoong, H. Tu Mơ Rông, Kon Tum. Đoàn chúng tôi quyết định chia hai nhóm, một tiếp tục cùng ông Hồ Quang Bửu xuống núi về phía Tu Mơ Rông, Kon Tum để khảo sát con đường cho dự án phát triển du lịch sinh thái; nhóm chúng tôi gồm các phóng viên cùng Xã đội trưởng Trà Linh - Hồ Văn Điền theo đường cũ quay về để tìm hiểu về cây sâm Ngọc Linh bản địa.

3 ngày ròng rã mới lên đến đỉnh cao nhất của núi Ngọc Linh, nhưng chỉ sau 8 giờ đổ dốc, chúng tôi đã về tới Tắc Lang. Thật trùng hợp và... may mắn, đêm nay nhà Hồ Văn Điền làm lễ cúng tỉa lúa vụ đầu tiên trong năm. Chúng tôi là khách quý nên được mời. Bà con trong thôn tới dự rất đông, mấy con gà, vịt làm thịt, ba ché rượu cần gạo nếp rẫy được bưng ra làm lễ, sau lời khấn Giàng của mẹ Điền cầu mong cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, tiệc rượu cần bắt đầu. Trong men rượu cần say ngọt, anh Hồ Văn Hùng - giáo viên dạy tiểu học của thôn, là người có học vấn cao nhất trong cộng đồng bà con Xơ Đăng ở Tắc Lang, lại cũng là một "đại gia" về việc trồng cây sâm Ngọc Linh cuốn chúng tôi vào câu chuyện về cây sâm...

Trước năm 2000, cây sâm Ngọc Linh mọc khắp rừng núi này, bà con đi rẫy nhổ về chỉ vứt bỏ cho heo bò ăn, chỉ có người ốm đau, sinh đẻ, bà con mới dùng ít củ sâm nấu nước cho uống... Hái nhổ được sâm, bà con cũng chỉ chia nhau về ngâm rượu uống chơi, có người nơi khác đến hỏi mua cũng chỉ bán với giá 5-10 nghìn đồng/kg. Cây sâm tự nhiên trên rừng cũng gần cạn kiệt không phải vì có ai đó thu mua mà chính là nguyên nhân do thiếu sự chăm sóc, quản lý, bảo tồn để cây phát triển một cách tự nhiên. Từ những năm 2000, bất ngờ giá sâm tăng cao vọt, từ vài triệu đồng rồi tới mấy chục triệu đồng/kg, bà con lúc đó muốn đi hái sâm về bán, thì sâm cũng đã rất khó kiếm, thi thoảng mới có người trong thôn đi rừng may mắn bắt gặp, hái nhổ được một vài củ sâm. Phải đến năm 2008, phong trào trồng sâm trong nhân dân mới được phát động, chính quyền địa phương cũng có các chương trình bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với các hình thức khác nhau.

Anh Hồ Văn Hùng (phải) kể chuyện về cây sâm và trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Tắc Lang.

Tại các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang (nằm bao quanh khu vực núi Ngọc Linh) đã hình thành nhiều điểm trồng sâm. Riêng tại thôn Tắc Lang, có hơn 120 hộ dân, hầu như hộ dân nào cũng có diện tích trồng sâm. Sâm giống do Viện Dược liệu Hà Nội cung cấp lúc đầu chỉ với giá 20.000 đồng/cây, nay đã lên 50.000 đồng. Lúc đầu bà con trồng theo dạng tự phát, mạnh ai nấy trồng, nhưng do khó khăn trong cuộc sống, nhiều hộ gia đình nhổ bán sâm non, dẫn đến giá trị của sâm không cao. Hơn nữa, tình trạng mất trộm sâm trong nhân dân thường xuyên xảy ra nên người dân đã bàn với nhau, tự liên kết thành mô hình canh tác theo kiểu tập thể, vừa hỗ trợ nhau trong sản xuất, vừa bảo vệ vườn sâm.

Anh Hùng cho biết, ở thôn Tắc Lang, anh cũng là thành viên tích cực trong công tác vận động và liên kết trồng sâm của thôn. Hiện gia đình anh đã có hơn 1.000 cây sâm có độ tuổi 2-4 năm. Theo anh Hùng, muốn trồng sâm phải chọn địa điểm còn rừng nguyên sinh, có tán lá rừng, lớp đất trồng sâm phải có lá khô mục tự nhiên, không khô quá, cũng không ẩm ướt quá. Cây sâm sau khi trồng 3 năm đã có thể trổ bông ra hạt và giờ thì người dân đã biết lấy hạt sâm để ươm tạo cây giống mới. Việc chăm sóc sâm cũng rất cầu kỳ, hằng ngày phải vun xới, bắt sâu cho từng cây, đặt bẫy chống chuột, thú rừng phá hoại. Thời gian qua, giá sâm tăng rất cao, 1kg loại 4 tuổi có giá hơn 40 triệu đồng, loại sâm đạt 7 tuổi có giá hơn 70 triệu đồng.

Dù vậy, phải thuyết phục mãi anh Hùng mới đồng ý đi nhổ một ít sâm về cho chúng tôi xem và chụp ảnh, còn nhất quyết không cho lên vườn sâm. 8 giờ hôm sau, anh Hùng từ vườn sâm trở về cùng gùi sâm còn nguyên củ và cây tươi rói, thơm nồng. Sau khi giới thiệu và cho chúng tôi chụp ảnh, quay phim, anh Hùng hỏi chúng tôi có mua sâm không với tổng giá là 48 triệu đồng (1,2kg). Chúng tôi chỉ biết nhìn anh cười thú thật là không có tiền. Chẳng phiền hà, anh bấm máy điện thoại và vui vẻ thông báo, ngay sáng nay sẽ có người từ TT Tắc Pỏ lên lấy hết số sâm này với giá 4 triệu đồng/lạng. Anh Hùng vui vẻ tặng chúng tôi mỗi người một nhánh sâm nhỏ với lời mời lên Tắc Lang chơi vào dịp cúng mừng lúa mới.

Chia tay làng Xơ Đăng nơi sườn núi Ngọc Linh, câu chuyện về loài sâm quý cứ theo tôi mãi trên con đường đổ dốc trập trùng. Nếu được quy hoạch, định hướng, đầu tư, quản lý chặt chẽ của Nhà nước, chẳng cần đi đâu xa, vùng núi Ngọc Linh này sẽ sinh vàng sinh bạc cho bà con Xơ Đăng, sẽ làm giàu cho vùng núi cao Tây Nam đất Quảng trong thời gian không xa...

Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)