Kỳ cuối: Gấp rút hoàn thiện khu tái định cư
Tháng 12-2022, UBND huyện Kỳ Sơn phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC để di dời khẩn cấp những hộ dân ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ bị thiệt hại nặng nề sau lũ, với tổng kinh phí 94 tỷ đồng. Theo đó, UBND huyện Kỳ Sơn sẽ xây dựng hai khu TĐC rộng hơn 12ha, đủ bố trí cho hơn 200 hộ dân. Cụ thể, khu TĐC số 1 ở bản Cầu Tám, xã Cà Tạ sẽ được xây dựng trên diện tích 8,6 ha với số vốn hơn 64 tỷ đồng. Còn khu TĐC phía sau TTGDNN&GDTX được xây dựng trên diện tích khoảng 3,9ha, với kinh phí hơn 30 tỷ.
Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý liên quan đến nhiều sở ban ngành, công tác chuyển đổi đất rừng tự nhiên theo phân cấp thuộc về Trung ương…, nên đến nay khu TĐC số 1 bản Cầu Tám, xã Cà Tạ vẫn chưa được triển khai. Còn khu TĐC phía sau TTGDNN&GDTX thì được khởi công cuối năm 2023 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, dự kiến, cuối năm 2024, khu TĐC phía sau TTGDNN&GDTX huyện sẽ hoàn thành, bố trí cho 54 hộ dân thuộc diện di dời cấp độ 1 ở các bản Hòa Sơn, Bình Sơn 1, Sơn Hà và khối 1 thị trấn Mường Xén. Trong đó, riêng bản Hòa Sơn hiện có 29 hộ dân trong diện di dời cấp độ 1, 34 hộ thuộc diện di dời do ảnh hưởng sạt lở.
Cũng theo anh Truyền, vì quy mô của dự án này chỉ đảm bảo cho một số hộ bị thiệt hại nặng, trong khi hàng chục người dân bị thiệt hại sau trận lũ quét đang thiếu nhà ở, nên trong các cuộc họp, người dân tiếp tục đề xuất khẩn trương thực hiện dự án khu TĐC ở bản Cầu Tám để những hộ còn lại sớm được an cư.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn, khu TĐC phía sau TTGDNN&GDTX do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Công trình khi hoàn thành sẽ bố trí tái định cư cho 54 hộ, mỗi hộ sẽ nhận từ 210 - 230m2 đất ở. Hiện dự án này đã đạt 95% thi công. Huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công huy động máy móc và nhân lực đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công 3 ca/ngày phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2024.
Được biết, khu TĐC tại bản Cầu Tám dự kiến bố trí cho hơn 130 hộ dân hiện nay đã hoàn thành lựa chọn địa điểm xây dựng; lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, dự toán khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt chủ trương đầu tư…Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đã gặp vướng mắc do vị trí này là đất rừng tự nhiên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện, huyện Kỳ Sơn đang tập trung lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để trình HĐND tỉnh thẩm định theo Nghị định số 91/2024/NĐ-CP của Chính Phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đang thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Liên quan đến vấn đề 2 khu TĐC này, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, Kỳ Sơn là huyện mà địa hình đồi núi có độ dốc lớn, dù có diện tích lớn nhưng chỉ khoảng 1% diện tích có thể làm nhà ở được. Vì vậy, quá trình tìm kiếm mặt bằng cho công tác tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh khó khăn về tìm kiếm mặt bằng thì trong quá trình triển khai dự án TĐC, địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thủ tục pháp lý phải thông qua nhiều sở, ban ngành, thủ tục về chuyển đổi đất rừng theo phân cấp phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cũng theo ông Thò Bá Rê, hiện nay, theo quy định mới, việc chuyển đổi đất rừng được giao về cho UBND tỉnh. UBND huyện đã hoàn thiện các thủ tục, chờ tỉnh phê duyệt là có thể triển khai.
Trước thực trạng một số hộ dân vì đợi chờ quá lâu đã tìm nơi ở mới, ông Rê cho biết, danh sách các hộ dân trong diện di dời đến khu TĐC sẽ có sự thay đổi. Theo đó, sau khi hoàn thiện các khu TĐC, địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, ưu tiên chọn các hộ bị mất đất, mất nhà để bố trí vào khu TĐC trước.
Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ kiến nghị, để người dân sau khi được TĐC cư ổn định cuộc sống, về lâu dài, chính quyền địa phương mong chính quyền cấp trên quan tâm bố trí thêm đất sản xuất cho người dân để trồng trọt, chăn nuôi, qua đó tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Bởi thực tế hiện nay, diện tích đất sản xuất ở bản Hòa Sơn đã bị vùi lấp gần một nửa, khoảng 6ha.
An Khuê
Kỳ Sơn là huyện miền núi, địa hình dốc, địa chất yếu, sỏi đá nhiều, thiếu sự kết dính nên mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Theo đó, bên cạnh gấp rút hoàn thiện các khu TĐC cho những hộ dân ảnh hưởng trận lũ quét lịch sử 2022, chính quyền địa phương luôn xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Ngoài 2 khu TĐC như đã nêu trên, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn có một khu vực khác tình trạng sạt lở cũng rất nghiêm trọng đó là bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam. Địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm bố trí khu TĐC cho người dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến nay do khó khăn về nguồn kinh phí nên vẫn chưa thể triển khai. |