Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Bảo vệ quyền lợi của người đấu giá tài sản
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-11, các đại biểu nghe và thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi), dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) và biểu quyết thông qua dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.
ĐB Thân Đức Nam phát biểu thảo luận. |
Qua phát biểu, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật ĐGTS, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định, từ thực tiễn hoạt động ĐGTS trong thời gian qua, do khung pháp lý thiếu chặt chẽ và đạo đức của một bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động ĐGTS làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là ĐGTS thi hành án dân sự, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. ĐB cho rằng, từ kinh nghiệm đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu, tình trạng thông thầu xảy ra quá thường xuyên mà doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết, nhưng vẫn được xem là đúng quy trình, thủ tục; ĐB đề nghị cần tập trung chế định thật chặt chẽ, không để kẻ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật có liên quan. ĐB cũng viện dẫn thực tế là thời gian qua, quyền lợi của người trúng ĐGTS qua các phiên đấu giá không được bảo đảm. Nhiều trường hợp trúng đấu giá đã thanh toán tiền, nhưng chậm giao tài sản do nhiều lý do như tình trạng pháp lý của tài sản, tranh chấp phải chờ Tòa án xét xử... gây thiệt hại cho người trúng ĐGTS, mà cơ quan, tổ chức đấu giá không chịu trách nhiệm gì, làm mất niềm tin của người tham gia ĐGTS.
Với 85,83% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Luật An toàn thông tin mạng quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý Nhà nước về an toàn thông tin mạng. |
ĐB đồng tình mở rộng đối tượng áp dụng Luật ĐGTS quy định tại Điều 2 và loại tài sản đấu giá quy định tại Điều 3. Tuy nhiên, ĐB đề nghị ngoài việc cho bán đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua thì cần áp dụng đối với các công ty mua bán nợ khác như Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam của Bộ Tài chính... Qua đó, tháo gỡ những vướng mắc trong việc phát mãi tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ, khai thông những trở ngại nhằm phát triển thị trường mua bán nợ, tạo sự minh bạch trong việc xử lý tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
ĐB đồng tình quy định tại Điều 21 về hai hình thức thành lập doanh nghiệp ĐGTS là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Tuy nhiên, ĐB đề nghị không nên chỉ giới hạn hai hình thức trên, mà vẫn duy trì hình thức các Trung tâm ĐGTS hiện nay nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức đấu giá, phù hợp với thực tiễn, đặc điểm của các địa phương khác nhau. Đối với những địa phương do kinh tế chưa phát triển nên không hấp dẫn việc lập doanh nghiệp ĐGTS thì cần duy trì hình thức Trung tâm ĐGTS của nhà nước để phục vụ cho việc đấu giá tại địa phương.
Theo ĐB, dự thảo luật hiện hành chưa làm rõ địa vị pháp lý của đấu giá viên. Do đó, ĐB đề nghị cần xem đấu giá viên là định chế bổ trợ tư pháp như giám định viên, thừa phát lại, công chứng viên... và cần xã hội hóa hoạt động ĐGTS, nhưng đây là hoạt động đặc thù mà yếu tố đạo đức, tinh thần tuân thủ pháp luật, sự công tâm trong hoạt động đấu giá quan trọng hơn là bằng cấp. Do đó, ĐB đề nghị cần chế định thêm một số điều khoản quy định về những điều cấm và biện pháp chế tài đối với đấu giá viên, doanh nghiệp ĐGTS vi phạm đạo đức nghề nghiệp như thông đồng, nội gián trong hoạt động đấu giá, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi dùng thủ đoạn để ép giá, dùng thủ đoạn tạo ra “quân xanh, quân đỏ”, thậm chí cần quy định tội danh trong lĩnh vực ĐGTS trong Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm khắc.
Phạm Hữu Hoa