Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tạm dừng thực hiện quy hoạch hành chính tập trung
Thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp đổi mới tốt hơn, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, trên tinh thần giảm 2 lấy 1, giai đoạn 2015 – 2021 phải giảm trong số biên chế hành chính 10%, biên chế sự nghiệp 10% không hưởng lương ngân sách. Cung cấp đến đại biểu con số tinh giản biên chế được thực hiện tại 12 Bộ, ngành, 24 địa phương tính đến hết tháng 10-2015 là hơn 3.300 người, trong đó có 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay, Phó Thủ tướng khẳng định: Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế năm 2015 tại tất cả đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố lớn đã đưa ra phương án giảm biên chế của địa phương, đơn vị mình. |
(Cadn.com.vn) - Ngày 17-11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, tập trung vào hàng loạt vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) chất vấn Chính phủ: “Điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng hiện nay, một số địa phương đã và đang có kế hoạch “hoành tráng hóa” công sở tập trung hàng nghìn tỉ đồng. Tôi thấy đây là vấn đề rất hệ trọng. Tôi xin được hỏi ý kiến của Thủ tướng về xây dựng công sở tập trung và nhất là quan điểm xử lý của Thủ tướng trước đề xuất hoành tráng công sở quá tiêu chuẩn, định mức của một số địa phương?”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời chất vấn. |
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong Đề án tổng thể cải cách hành chính đã đặt ra vấn đề quy hoạch tập trung các khu hành chính để thực hiện cải cách hành chính. Trên thực tế, các khu hành chính ở các địa phương không được quy hoạch từ trước nên thường chiếm diện tích lớn. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và địa phương, quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị, áp dụng phân kỳ dự án đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của địa phương và có giải pháp chuyển đổi khu hành chính cũ sang các mục đích khác. Tuy vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhìn nhận: “Một số địa phương làm quy hoạch khu vực hành chính công với nguồn lực lớn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tạm dừng thực hiện quy hoạch hành chính tập trung, giao Bộ Xây dựng rà soát lại để đánh giá kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện cho từng địa phương”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời những chất vấn của đại biểu về vấn đề bổ nhiệm hàm chức danh. Theo khẳng định của Bộ trưởng, hiện nay, các quy định của Đảng và Nhà nước cũng chưa có văn bản nào có quy định về chức danh hàm. Sau phần trả lời viện dẫn dài dòng, khá loanh quanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc nhở Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi và truy đến cùng: “Trung ương làm như thế có đúng không, nếu đúng địa phương làm được không? Trung ương làm như thế là chưa có quy định của luật pháp, phải xem lại... Không đúng thì không thể mở rộng cho làm được... Trong khi đang nghiên cứu, địa phương cũng không được mở rộng, không được làm, đúng thế không?”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chốt lại phần trả lời của mình bằng một câu ngắn gọn “Trong khi nghiên cứu, cả bộ, ngành và địa phương không được tiếp tục làm!”.
Là người trả lời chất vấn đầu tiên trong buổi sáng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu quản lý mục tiêu của quản lý chiến lược nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nợ công của nước ta không quá 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%. Nhìn lại 5 năm, năm 2011 nợ công là 50%, năm 2014 là 59,6% và dự kiến năm 2015 nợ công là 61,3%. Cho rằng nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tốc độ tăng vừa qua là quá cao 20%/năm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường quản lý nợ công.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc có hay không chuyện các doanh nghiệp bất động sản lớn đang găm hàng và đẩy giá lên, tận dụng sức nóng của thị trường để thu lợi, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Với Việt Nam, khó xảy ra bong bóng bất động sản. Tuy vậy, diễn biến của thị trường phức tạp, và không thể chủ quan. Cần chủ động đảm bảo thị trường bất động sản cũng như tài chính, tín dụng, xây dựng... phát triển bền vững, qua đó ổn định nền kinh tế và ngăn chặn các nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản.
Thu Thủy – TTXVN