Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng của Bộ luật Tố tụng dân sự
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đây là lần thảo luận cuối cùng, thống nhất các ý kiến về những vấn đề còn có quan điểm khác nhau để Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này.
Đại biểu thảo luận tại Hội trường. |
Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án
Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu tại phiên thảo luận. Các ý kiến đều đồng thuận với quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Các ý kiến đánh giá việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102).
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ sự băn khoăn bởi Điều 4 dự thảo Bộ luật ghi “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” rất khó thực hiện. Đại biểu phân tích, người dân khởi kiện, họ sẽ cho rằng mình hợp pháp, còn Tòa án có lý lẽ của mình, vì hợp pháp hay không phải qua xét xử mới thấy được... Vì lo ngại này và để chặt chẽ, dễ áp dụng hơn, đại biểu Bá Thuyền đề nghị chỉ ghi là quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật. Quy định như vậy là phù hợp với nội dung tại các điều 5, 6 và 14 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ”.
Khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh Tham gia thảo luận tại hội trường về Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tán thành quy định tại Khoản 2 điều 4 “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Tuy nhiên, nhằm đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra Tòa, ĐB đề nghị luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, nhất là phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì Tòa án mới xem xét thụ lý. Đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện. ĐB Huỳnh Nghĩa nhận định, trong vụ án dân sự, chứng cứ là điều vô cùng quan trọng, có giá trị quyết định hướng giải quyết vụ án của Tòa án. Do đó, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thì việc công khai giao nộp, tiếp cận chứng cứ tại phiên hòa giải quy định từ Điều 208 đến Điều 211 là hết sức cần thiết. Qua đó, giúp đương sự biết đầy đủ, chính xác chứng cứ của bên kia, có điều kiện kiểm tra tính xác thực của chứng cứ, chuẩn bị căn cứ phản bác lại. Nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và dự thảo mới cho phép đương sự được quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào là chưa hợp lý. Để khắc phục tình trạng trên, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị luật cần quy định theo hướng, buộc đương sự phải cung cấp chứng cứ trong một thời hạn nhất định, tốt nhất là trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trừ trường hợp chứng minh đó là chứng cứ mới thu thập được. Phạm Hữu Hoa |
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm
Chiều 26-10, đề cập thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (từ Điều 343 đến Điều 347), nhiều ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhấn mạnh dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự lần này đã ghi nhận một nguyên tắc được đa số đại biểu tán thành đó là nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Nguyên tắc này không chỉ trong phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà cả trong phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.
Vì vậy việc mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là phù hợp. Cùng quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ thời gian qua, việc thực hiện quy định này đã gặp khó khăn, vướng mắc. Vì thực tiễn có những vụ việc mà các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhưng Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn phải hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để giao về cho Tòa án cấp dưới xét xử lại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết, không bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ về điều kiện để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để tránh việc lạm dụng.
Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án
Thảo luận về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (từ Điều 415 đến Điều 418) đa số ý kiến tán thành với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể những loại hòa giải nào thì được Tòa án công nhận và quy định chi tiết trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của quyết định công nhận kết quả hòa giải.
Đánh giá thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án rất quan trọng và cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng sau khi các bên đã hòa giải theo quy định pháp luật nhưng không có cơ quan nào tổ chức thi hành kết quả hòa giải đó, tuy nhiên có ý kiến đề nghị dự thảo Bộ luật cần quy định theo hướng, trước khi công nhận kết quả hòa giải, Tòa án phải xem xét, thẩm định lại toàn bộ nội dung hòa giải đó, đối chiếu với quy định pháp luật, lẽ công bằng, đạo đức xã hội; đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán khi ký quyết định.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình. Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tiến hành hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).
Nhiều vấn đề về: án lệ trong tố tụng dân sự; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự; thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự đã được thảo luận, thống nhất quan điểm tại phiên thảo luận chiều nay. Đây là lần thảo luận cuối cùng, làm rõ những vấn đề có quan điểm khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Theo chương trình, hôm nay (27-10), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).
Thu Thủy – TTXVN