Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị tăng mức phạt tối đa với một số lĩnh vực
Ngày thứ 3 của kỳ họp, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Quốc hội họp trực tuyến, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
Thận trọng khi bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp dịch vụ điện nước..."
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...
Về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, một số ý kiến cho rằng cần bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 90) đối với đối tượng này; riêng với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 đến 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, tự nguyện khai báo thì giao cho gia đình quản lý (Điều 140) là không khả thi...
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 của Luật), Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực. Với một số lĩnh vực khác được các ĐB đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức tiền phạt tối đa. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; đồng thời đề nghị áp dụng đồng bộ kể cả phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
Liên quan đến quyết định xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB, không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm", vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết. Tuy nhiên, loại ý kiến này cho rằng cần chỉnh lý quy định này theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế, lần đầu tiên, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV trên cơ sở Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Dự thảo Luật này gồm 7 chương, 53 điều.
Tiếp tục được đưa ra thảo luận, các ĐB đều cho rằng, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra. Đồng thời hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, một số ĐB nêu ý kiến, không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã; đề nghị bổ sung thêm một số nội dung trong dự thảo Luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt đối với các thỏa thuận quốc tế là bảo lãnh Chính phủ bao gồm: Điều kiện tiên quyết để được ký thỏa thuận quốc tế; các trường hợp cho phép bên ký kết Việt Nam được quyền chấm dứt thỏa thuận quốc tế; tài sản bảo đảm về quyền truy đòi...
Q.H