Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Cân nhắc kỹ việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại

Thứ bảy, 26/03/2016 08:27

(Cadn.com.vn) - Việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại là một trong những nội dung trong dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội góp ý tại buổi làm việc chiều 25-3. Đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do và thông lệ quốc tế, các biện pháp phòng vệ, trong đó có việc áp các loại thuế này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thương mại tiến hành, có đủ bằng chứng và căn cứ xác đáng. 

Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng thuế phòng vệ thương mại cho  các mặt hàng sản xuất trong nước là cần thiết, để bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng, là biện pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), trên thực tế ở nước ta hiện nay, nếu áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không có sự cân nhắc kĩ càng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi đưa ra thuế phòng vệ phải quan tâm đến thị trường nhiều hơn và phải tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập trong kinh tế vĩ mô. Đại biểu dẫn chứng gần đây nhất là việc áp dụng thuế phòng vệ đối với mặt hàng phôi thép. Chỉ một tuần trước khi quy định này có hiệu lực, thị trường thép trong nước đã có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Người tiêu dùng bị thiệt hại, giá thành xây dựng tăng lên và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, khi giá thế giới đang giảm, không nên xây dựng hàng rào phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật dược (sửa đổi). Đây là lần thảo luận cuối cùng để hoàn thiện dự luật trước khi thông qua tại kỳ họp này. Nội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đại biểu Nguyễn Minh Phương phân tích “học đại học xong 5 năm mới nhận được danh hiệu dược sỹ, học đại học 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sỹ sau đó phải có thời gian hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên thì mới nhận được chứng chỉ hành nghề, như vậy trải qua giai đoạn từ 7-8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc quy định cấp chứng chỉ 5 năm là không phù hợp”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề dược. Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với “người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.

T.T - Q.H