Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp nhiều vấn đề nóng

Thứ sáu, 18/11/2016 08:51

(Cadn.com.vn) - Sáng 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt tập thể Chính phủ báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV.

Trong buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của 37 đại biểu tại hội trường liên quan đến nhiều vấn đề nóng, được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm từ phát triển kinh tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đến quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.

Quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng

Trả lời chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân. Chính phủ quyết liệt loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Đây cũng là yêu cầu cấp bách, cần được triển khai mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị. Thủ tướng cho biết đã ban hành Chỉ thị về đạo đức công vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức.

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: Lấy Đức làm gốc, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý kiên quyết sai phạm của các cá nhân, tổ chức là đảm bảo nền pháp trị quốc gia, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Muốn vậy, cần tiếp tục triển khai tốt các biện pháp như công khai minh bạch và kiểm soát tốt quyền lực; có cơ chế quản lý tốt để hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho đối với các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên. Song song với đó là tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với giảm biên chế bộ máy.

Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Đồng quan điểm với những trăn trở của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về gánh nặng trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng cho biết, cả nước hiện có trên 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ở trung ương là 600 đơn vị và chỉ có 2,34% số này tự trang trải được kinh phí hoạt động. Đội ngũ công chức từ cấp huyện trở lên là hơn 500 ngàn người, nhưng có tới trên 2,2 triệu cán bộ, nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập. Thủ tướng nêu rõ, chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập là nhất quán nhưng đây là vấn đề lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, phục vụ trực tiếp đời sống người dân, do đó Chính phủ sẽ xây dựng giải pháp trình Trung ương và báo cáo Quốc hội theo hướng tăng cường xã hội hóa với các đơn vị loại này, nhưng xác định những đơn vị nào Nhà nước quản lý và những đơn vị xã hội hóa; kết hợp với triển khai việc giảm biên chế theo những bước đi, lộ trình cụ thể.

Không dùng tiền thuế của người dân để xử lý các dự án thua lỗ

Trả lời các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum); Trần Văn Minh (Quảng Ninh) liên quan đến quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý các dự án thua lỗ lớn thời gian qua, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên quyết không sử dụng tiền thuế của nhân dân để bù đắp cho hoạt động của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, sẽ tiếp tục giải quyết theo hướng cắt lỗ nếu không sử dụng hiệu quả hoặc bán khoán, thậm chí tiến hành phá sản, không để những doanh nghiệp này trở thành gánh nặng của nền kinh tế; không kéo dài dự án ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Chính phủ sẽ xem xét nhiều biện pháp phù hợp sao cho đảm bảo tối đa quyền lợi Nhà nước trong tiến trình giải quyết và trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, Thủ tướng nêu rõ.

Cũng liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Thủ tướng cho biết thêm, Trung ương đã cho phép thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước để triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo không để thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng không cổ phần hóa với bất cứ giá nào đi liền với công khai minh bạch trong cổ phần hóa và giám sát, kiểm toán thường xuyên.

Tăng trưởng cao để giải quyết việc làm và trả nợ công

Thủ tướng bày tỏ trân trọng và đánh giá cao ý kiến, sự lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) về những biện pháp để hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5% – 7% đến năm 2020, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng thừa nhận đây là mục tiêu hết sức khó khăn trong tình hình hiện nay. Song Chính phủ phải xác định yêu cầu cao như vậy mới có thể giải quyết vấn đề việc làm cho người dân. Thủ tướng cho biết, cứ 1%GDP là giải quyết được 300 ngàn lao động. Đặc biệt, theo Thủ tướng, phải đặt yêu cầu tăng trưởng cao như vậy mới đảm bảo có nguồn lực giải quyết gánh nặng nợ công.

Dù đây là vấn đề khó khăn, là thách thức lớn nhưng trong bối cảnh này, phải phấn đấu, có nhiều biện pháp bám vào các thành tố của GDP, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đi đôi với triển khai đồng bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng nói.

Về văn hóa từ chức

Về đề xuất của các đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Phùng Việt Hùng (Nam Định) về xây dựng văn hóa từ chức, trong Chính phủ liêm chính, Thủ tướng bày tỏ tiếp thu và cho rằng đề xuất này là phù hợp bởi trên thực tế có những người do sức khỏe, trình độ, điều kiện gia đình có thể vận dụng cơ chế từ chức. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng quy chế và báo cáo Chính phủ.

Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đánh giá các thành viên Chính phủ cơ bản đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách, đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực trả lời chất vấn lần này cùng các thành viên khác của Chính phủ tiếp tục rà soát, bám sát các nghị quyết giám sát của Quốc hội đã ban hành thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 113 ngày 27-11-2015 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn để tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội về các lĩnh vực liên quan; thực hiện các giải pháp có hiệu quả để thực hiện các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp này.

Thu Thủy – TTXVN

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2017

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, Nghị định số 153/2016/NĐ-CP đã có nhiều nội dung mới trong việc quy định những đối tượng được điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, các trường hợp cụ thể được áp dụng...

Nhóm đối tượng được điều chỉnh theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP gồm: Một là, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Hai là, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; Ba là, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1-1-2017 như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng.

Thu Thủy