Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Điều tra làm rõ “lùm xùm” hoạt động từ thiện

Thứ năm, 11/11/2021 07:17

* Xử lý triệt để hành vi vi phạm trong ngành Y tế

Những “lùm xùm” trong việc làm thiện nguyện của một số nghệ sỹ là một trong những nội dung “nóng” tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào chiều 10-11.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội.

Xử lý triệt để hành vi vi phạm trong ngành Y tế

Tại phiên chất vấn, liên quan đến trách nhiệm của ngành Công an trong việc cùng với ngành Y tế phòng, chống bệnh dịch và xử lý số vụ án, vụ việc có liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn, đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng".

Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong các lĩnh vực. Điển hình, một số vụ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Sơn La... Qua đấu tranh, hiện nay, các đối tượng đều đã thừa nhận các hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sơ kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Các vụ việc này không phải do lỗi cơ chế hoặc hệ thống. Đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật, có những vi phạm hình sự, rất đáng phải xử lý. Trước khi xử lý hình sự, đối với cơ quan điều tra, Bộ Công an đều yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự cá nhân của từng cá nhân trong từng vụ việc. Thứ hai, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi rồi xử lý các đối tượng này. Ví dụ thông đồng với nhà thầu để đẩy giá máy móc, thiết bị, có ăn chia nhau, có trích phần trăm trong những việc đó. Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng và đều bị xử lý".

QUỲNH NHƯ

Đã phân loại 6 tố giác về huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ

Tham gia trả lời chất vấn về việc rà soát những kết quả tiếp nhận, giải quyết đơn tố cáo sai phạm trong hoạt động quyên góp từ thiện, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đã giao Cục Cảnh sát hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp, tiền từ thiện, cứu trợ của một số nghệ sĩ trong đợt bão lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 để làm rõ theo quy định của pháp luật.

Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện; phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh, làm rõ số tiền mà nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ từ thiện tại các địa phương; làm việc với một số cá nhân, tổ chức để cung cấp thông tin có liên quan nhằm sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Qua rà soát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 tố giác về tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ và đã tổ chức tiếp nhận, phân loại theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu câu hỏi về quan điểm, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc đứng ra quyên góp làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân, cũng như công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp chưa đúng mục đích. Những “lùm xùm” trên mạng vì tiền từ thiện làm mất ý nghĩa nhân văn của những tấm lòng thơm thảo, mất đi niềm tin của các nhà hảo tâm và của người dân.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ có đưa ra một nguyên tắc là khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm việc từ thiện, tham gia cứu trợ, giúp đỡ người dân bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Bộ Tài chính có trách nhiệm thay mặt Nhà nước đứng ra thu các nguồn ủng hộ và tổ chức việc triển khai cấp phát; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách huy động và giải quyết chính sách đối với người trong dịch bệnh và thiên tai, lũ bão. Trong Nghị định cũng quy định rất rõ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là cơ quan, tổ chức đứng ra để huy động, tổ chức các hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, trong nghị định và quy định của pháp luật có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tiến hành kêu gọi quyên góp, ủng hộ, nhưng chưa quy định cụ thể cách thức huy động của cá nhân thế nào, các tổ chức khác huy động ra sao. Do đó, về cơ bản, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc chuyển hàng, tiếp nhận ủng hộ bão lũ, dịch bệnh đến với người dân, tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số vấn đề tại một số nơi.

Nêu quan điểm cá nhân là khuyến khích các tổ chức, cá nhân kêu gọi, huy động làm từ thiện nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc làm từ thiện phải dựa trên các nguyên tắc và phải được quy định bằng pháp luật. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP và ngày 27-10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP, trong đó quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm từ thiện.

“Chúng tôi tin rằng, sau ngày 1-12 này, khi Nghị định 93 có hiệu lực thì việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp. Trong quá trình thực hiện quyên góp vừa qua, nếu cá nhân, tổ chức nào sai thì phải xử lý. Hình thức xử lý sẽ dựa trên các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Thu hồi tiền hỗ trợ… người giàu!

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước cho một số văn nghệ sỹ mà như dư luận xã hội phản ánh và không đồng tình do có “thu nhập cao mà vẫn nhận hỗ trợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Trong quá trình triển khai, xây dựng Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị hai đối tượng, gồm hướng dẫn viên du lịch; văn nghệ sĩ thuộc hạng IV là những người có mức phụ cấp mức lương từ 1,86 và tuổi còn trẻ, mới vào nghề. Qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số này có khoảng 2.000 người và nhìn chung đời sống khó khăn.

Khi đưa ra, Chính phủ đã thảo luận và đồng ý chính sách này vì thấy phù hợp bởi ba lẽ: đời sống khó khăn, mức lương rất thấp; phải giãn cách hoặc dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong suốt thời gian vừa qua; gặp khó khăn trong do dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có một địa phương khi xét 33 trường hợp trong đó có 3 trường hợp đúng đối tượng nhưng cuộc sống khá giả.

“Thực sự các em có tài năng và đang là những người được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, trong quá trình rà soát đã bỏ rơi yếu tố thứ ba là có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, dư luận không đồng tình. Cho đến nay, 2.000 trường hợp này, chúng ta đã hỗ trợ 1.590 trường hợp. Rất nhiều trường hợp chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy rằng rất khó khăn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

“Đến giờ này chúng tôi khẳng định một lần nữa là chính sách là đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện có thể ban điều này, điều kia. Chúng tôi cũng như các cơ sở thấy cần chú ý rút kinh nghiệm hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

QUỲNH NHƯ – TTXVN