Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đề xuất đáng chú ý của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về xây dựng luật
(Cadn.com.vn) - Chiều 31-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tham gia phát biểu thảo luận về nội dung này. Theo ĐB Thúy, có 03 vấn đề cần quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. |
Thứ nhất, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề cập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật. Hiện nay chương trình lập pháp được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành. Vấn đề đặt ra là các kiến nghị này đã thực sự xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hay chưa? Hay chỉ là mong muốn của bộ, ngành được có thêm quyền năng, công cụ quản lý? Do vậy, ĐB đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng về hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Cũng theo ĐB, nhìn chung các dự án luật đề nghị đưa vào chương trình về cơ bản là đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 37 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (gọi tắt là luật năm 2015). Tuy nhiên chưa bảo đảm yêu cầu chất lượng của hồ sơ lập đề nghị; phần lớn các báo cáo đánh giá tác động của chính sách thực hiện còn sơ sài, vẫn theo quán tính của cách làm cũ, chưa đảm bảo thực chất, đầy đủ các nội dung theo quy định. ĐB cho rằng, đánh giá tác động của chính sách là một công việc vô cùng quan trọng quyết định chất lượng của dự án luật.
Thứ hai, dự án Luật quy hoạch trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung 32 văn bản luật có liên quan để bảo đảm luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, trong chương trình năm 2018 mới có duy nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; 31 văn bản luật còn lại không thấy bóng dáng đâu cả. Tương tự, dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt ra yêu cầu là sửa đổi, bổ sung 3 luật, nhưng 3 luật ấy cũng không có trong chương trình xây dựng luật năm 2018. ĐB đặt vấn đề là khi Quốc hội thông 2 luật này liệu có trở thành Luật treo hay không? Với tình trạng thiếu luật và tình trạng luật không thi hành được thì điều gì sẽ nguy hại hơn. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ khẩn trương tập trung xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ lập đề nghị đối với các dự án Luật cần sửa đổi, bổ sung này. Có thể áp dụng một luật sửa nhiều luật trình UBTVQH bổ sung vào chương trình theo quy định điểm b, khoản 1, Điều 51 của Luật năm 2015.
Thứ 3, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị lùi dự án Luật Dân số trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6. ĐB nêu ra 02 lý do: Một là, để có đủ thời gian cho việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về vấn đề dân số. Theo ĐB dự kiến cuối năm 2017, Hội nghị lần thứ 6, BCHTW Đảng sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới. Hai là, theo ý kiến của Bộ Tài chính là Bộ không có cơ sở tham gia ý kiến về nguồn lực tài chính do đề xuất dự án Luật dân số chưa dự kiến nguồn lực, điều kiện để đảm bảo cho việc thi hành. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này. Bởi vì luật Dân số liên quan trực tiếp đến quyền con người mà chính sách phải đi liền với ngân sách thì mới bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Cũng tại buổi thảo luận, đề cập biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ĐB Thúy cho rằng, sau khi chương trình được Quốc hội thông qua thì các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ soạn thảo nhằm đảm bảo tính ổn định và tính khả thi của chương trình. Theo đó, Chính phủ nâng cao trách nhiệm và năng lực xây dựng luật; Quốc hội phát huy tính phản biện; cần tính đến việc xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên về soạn thảo văn bản pháp luật.
Trần Vinh - Vũ Hưng