Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Tại đây, lần đầu tiên các đại biểu được xem video clip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; qua đó thể hiện tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Về các giải pháp cần triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc, được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Chưa xem xét đến việc bỏ quy hoạch điện hạt nhân
Chiều 30-5, giải trình về ý kiến của các đại biểu Đặng Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) về bỏ quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, Nghị quyết là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ cho nên về nguyên tắc, chưa có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, địa điểm này đã được các đối tác, ngành Công Thương cùng các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân.
Báo cáo làm rõ hơn về vấn đề này với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh điện hạt nhân là vấn đề hệ trọng, chỉ cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được. Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao việc hiện thế giới đã phải quay lại để phát triển điện hạt nhân, nhằm thực hiện các cam kết ở Hội nghị Các bên tham gia công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 về phát triển năng lượng sạch. Theo đó, để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và năng lượng gió, cần có một hệ thống điện nền ổn định. Điện nền ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc thủy điện. Nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện cũng hết dư địa phát triển, do đó xu hướng tất yếu là phải tính đến điện hạt nhân.
Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, Hoa Kỳ và Đức từ 3 năm trước đã khởi động quá trình giảm điện hạt nhân nhưng đến nay, chính hai quốc gia này đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân, làm cơ sở cho việc phát triển, khai thác và phát triển năng lượng tái tạo. “Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội về quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân là khu vực Ninh Thuận. Do đó, chúng ta chưa nên xem xét và cần đợi cấp có thẩm quyền quyết định việc phát triển điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu.
Khẩn trương quy hoạch vùng sinh thái
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận chiều 30-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, trong điều kiện bất định và khó lường hiện tại, cần thiết phải xác định lại những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm trong quy định pháp luật, từ quy hoạch tích hợp, điều chỉnh quy hoạch từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Theo Bộ trưởng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do Nhà nước can thiệp và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi…
Liên quan đến các quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, việc bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn. Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch COVID-19 vừa qua, khó có được đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng kiến nghị cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường; khẩn trương quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được chiến lược đầu tư, hỗ trợ tạo ra một hệ sinh thái của ngành hàng.
B.T – T.T
Công tác quy hoạch phải đi trước một bước Trao đổi bên lề kỳ họp, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, công tác quy hoạchphải đi trước một bước, phải có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia dưới góc độ hệ thống pháp luật. Theo đại biểu, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đã đạt được những kết quả bước đầu cả về hệ thống pháp luật và khâu tổ chức thực hiện. Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Quy hoạch, hệ thống khung pháp lý về kỹ thuật đã bước đầu được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định phê duyệt quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch sẽ đạt kết quả cao hơn nếu như những tồn tại, hại chế ít đi- đại biểu Siu Hương nhấn mạnh. Theo đại biểu Siu Hương, để nâng cao hơn kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn về các nội dung liên quan đến quy hoạch, quy trình lập quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quản lý, thanh quyết toán quy hoạch xuyên suốt… Bên cạnh đó, cần làm tốt việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, xác định rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; cần có hướng dẫn bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với vấn đề này, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quản lý hành chính, quản lý theo thẩm quyền, quản lý theo phân cấp thẩm quyền. HẠNH QUỲNH |