Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Chính phủ đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 6,7% cho năm sau

Thứ ba, 24/10/2017 08:04

Sáng 23-10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Trước phiên khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm với 6 Dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua và 9 Dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác về: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về nhân sự thành viên Chính phủ...

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp.     Ảnh: TTXVN

Kiên định mục tiêu tăng trưởng

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Phấn đấu đạt tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%.

3.320 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội

Sáng 23-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.ƯMTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội. Theo đó,  T.ƯMTTQVN đã tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó, 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn ĐBQH; 2.385 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Cử tri, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Nhà nước; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát lớn. Công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều bất cập. Tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và việc công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời. An ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp.

THU THỦY – TTXVN

CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC PHẢI ĐƯỢC DỰ TOÁN

Chiều 23-10, sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính- NSNN 3 năm 2018-2020, các ĐBQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Báo cáo chỉ rõ, năm 2017, ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, tuy nhiên, số tăng thu chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách T.Ư ước khó đạt dự toán.

Về tình hình thực hiện chi NSNN, Báo cáo nhận định tổng chi NSNN tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt; vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất chậm...

Cũng theo Báo cáo thẩm tra, dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến và các yếu tố không thuận lợi tác động. Ngoài ra, cơ cấu chi NSNN năm 2018 đã có xu hướng thay đổi tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể các khoản chi NSNN phải được dự toán.

THÚC ĐẨY THỂ DỤC, THỂ THAO PHÁT TRIỂN

Về Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao do Bộ trưởng Bộ VH-TT & DL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật- tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật (dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới) và đề nghị, Bộ VH-DL & TT tiếp tục nghiên cứu, xác định các nội dung cần chỉnh sửa để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo được nêu trong Tờ trình.

  Về đặt cược thể thao, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đây là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao, tuy nhiên vấn đề này rất phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết… để ĐBQH xem xét, quyết định.

BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH LÀNH MẠNH, BÌNH ĐẲNG

Cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)- dự kiến sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội– cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh và cho rằng đây là bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các Cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.