Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Các “tư lệnh” Giao thông Vận tải và Tài nguyên Môi trường đăng đàn trả lời chất vấn

Thứ ba, 05/06/2018 08:37

Ngày 4-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi sáng, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, buổi chiều chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

VỀ VẤN ĐỀ “SỐT ĐẤT ĐẶC KHU”

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhận được câu hỏi của các đại biểu về hiện tượng đầu cơ đất đai tại 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế; tình trạng quản lý đất đai yếu kém tại nhiều nơi... và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm đòi hỏi phải trách nhiệm sáng suốt và có tầm nhìn. Hiện nay, thị trường đất đai ở các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. “Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã giải quyết vấn đề này như thế nào?” - đại biểu nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”. Cách đây mấy năm, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Vấn đề “sốt đất” là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, việc đưa ra nội dung trong Chỉ thị của các UBND về dừng chuyển nhượng đất đai tại một số địa phương là không phù hợp pháp luật hiện nay. Thay vào đó, ông đề nghị, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời điểm này, các địa phương cần xem lại hồ sơ đất đai để quản lý chặt, từ đó, tính toán đền bù đảm bảo công bằng, để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai như vừa qua.

Thừa nhận khiếu nại về đất đai là vấn đề nhức nhối, bức xúc, gây mất an ninh, trật tự xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này có từ 30-40 năm về trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường trung bình mỗi năm nhận được từ 3- 4 nghìn đơn thư khiếu nại. Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này cần tập trung rà soát từng vấn đề, xem xét nguyên nhân khiếu nại, đồng thời điều chỉnh phương pháp tính giá để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng cho biết, Đà Nẵng là địa phương điển hình. Vừa qua Thành ủy, HĐND TP  Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. Nguyên lý áp dụng là giới hạn từ đường ranh giới chiều cao trở vào trong 100 m không đầu tư những công trình mang tính chất thương mại, kinh tế. Việc xử lý như Đà Nẵng để lập lại trật tự là cần thiết. "Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của Bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

RÀ SOÁT LẠI QUỸ ĐẤT

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề cập đến tình trạng quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế và chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng, sai mục đích này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn chỉ rõ, quản lý đất đai là vấn đề yếu kém. Trên thực tế việc quản lý theo quy hoạch, các đất công chưa sử dụng giao cho các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước... Công tác quản lý chưa thực hiện quyết liệt nên không đánh giá đầy đủ về nguồn lực này, dẫn đến việc sử dụng chưa đúng mục đích, sử dụng đất lãng phí. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn nhưng không hiệu quả.

Về biện pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, quy định hiện hành, đặc biệt đã có Luật Đất đai 2013 cho phép thu hồi các dự án vi phạm. Thời gian qua, Hà Nội và 3 địa phương khác đã thu hồi hơn 77.000 ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm, không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích, thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, phải xây dựng chỉ tiêu năng lực nhà đầu tư, cơ chế tài chính, tiến độ đầu tư.

GIẢM NGUỒN THẢI TỪ GIAO THÔNG

Quan tâm đến vấn đề ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dẫn số liệu bảng tin hàng ngày, cứ 10 ngày thì 9 ngày người dân Hà Nội hít thở không khí có bụi quá mức cho phép. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên? Còn theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Theo thống kê, có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng... “Bộ có kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này không? Có giải pháp cụ thể và căn cơ nào không?”, đại biểu nêu câu hỏi.

Thừa nhận ô nhiễm không khí là rất lớn nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ông không đồng tình với số liệu đại biểu Nguyễn Anh Trí đã nêu bởi đây là công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức, chỉ mang tính cục bộ. Trong khi đó, các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.

Theo Bộ trưởng, việc ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn liên quan đến giao thông và hoạt động xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong cả nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí, từ đó biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào, sau đó công bố toàn bộ số liệu để nhân dân biết chính xác. Bên cạnh đó cần giảm nguồn thải giao thông, kiểm soát ô nhiễm bụi từ hoạt động này, kiểm soát ô nhiễm từ các loại xe, các phương tiện khi vào thành phố; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch...

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận và khẳng định, với những thông tin đại biểu có và với chuyên môn của một bác sĩ, thì bụi đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.

ĐÃ ĐẾN LÚC THÔNG QUA DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT BẮC – NAM?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chất lượng đường sắt hiện nay quá tệ; đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt và giảm tối đa tai nạn đường sắt. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Giao thông đường sắt, đặc biệt đường sắt Bắc - Nam là tuyến đường hết sức quan trọng. Nếu giải quyết tốt với ngành đường sắt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều và không cần đầu tư nhiều tiền phát triển hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, thời gian qua, chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu. Theo Bộ trưởng, đường sắt Bắc - Nam hiện nay rất lạc hậu, có những đoạn đường sắt đã hình thành 70-80 năm mà chưa có giải pháp nâng cấp. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng đường sắt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Bích Châu tranh luận: Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải chỉ có ba dòng nói về giao thông đường sắt và chỉ nói về những định hướng. Vấn đề ở đây là cần đặt ra giải pháp cụ thể vì những ngày vừa qua liên tục có tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

Trả lời tranh luận của đại biểu Bích Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Thật ra chúng tôi rất quan tâm đến ngành đường sắt. Trong báo cáo gửi Quốc hội không có nhiều đoạn cho ngành đường sắt, nhưng trong mấy ngày vừa qua, khi xảy ra các vụ tai nạn thì bản thân lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi người dân bị tai nạn liên quan đến đường sắt, chứng tỏ rằng chúng tôi cũng xác định trách nhiệm rất cao của mình và sự yếu kém của hệ thống đường sắt... Chúng tôi đang triển khai những giải pháp cấp bách để chấn chỉnh lại tình hình tai nạn giao thông”.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề, ngành đường sắt Việt Nam gần như bị “bỏ rơi”. Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn vì có thể cắt nhỏ ra nhiều hợp đồng... còn đường sắt thì không những đầu tư lớn mà chúng ta phải làm tổng thể, cho nên đó là lý do chúng ta ít quan tâm đến đường sắt vì không mang lại lợi ích cho những “nhóm lợi ích”? Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt cần đầu tư rất lớn. Các dự án có thể lên tới cả chục tỷ USD. Sau khi đưa ra bàn, Quốc hội cũng rất đắn đo vì đây là nguồn kinh phí lớn; nếu làm thì phải làm đường song hành chứ không thể chắp vá, sửa đường độc đạo hiện nay. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì thực hiện các dự án đường sắt, nhưng đáng tiếc trong thời gian vừa qua, chưa có dự án đường sắt làm mới nào được thông qua.

Về bình luận đầu tư đường bộ nhiều hơn vì có lợi ích nhóm, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân, là người làm giao thông rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt. “Cá nhân tôi cho rằng, làm dự án đường sắt, làm dự án đường bộ đều như nhau vì bản thân tôi lấy cái tâm ra để làm. Nếu tôi có vi phạm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng khẳng định đã đến lúc dự án đường sắt Bắc - Nam cần được thông qua. Không có tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ là hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế, xã hội.

T.THỦY – TTXVN