Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tán thành bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng
Sáng 1-6, các đại biểu Quốc hội (QH) đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Các ý kiến cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại các luật để bảo đảm sự thống nhất với Luật Quy hoạch, đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật vào ngày 1-1-2019. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan rà soát kỹ lưỡng các luật liên quan đến Luật Quy hoạch để trình QH sửa đổi, bổ sung vào Kỳ họp thứ 6 tới đây.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, bỏ quy hoạch tổng thể dịch vụ công chứng là đúng nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch trên các tỉnh, thành phố, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. |
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại phiên họp, đó là việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định trong Luật Công chứng. Các ý kiến cho rằng chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo và một trong các tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh, việc bỏ quy hoạch sản phẩm là chủ trương đúng, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và phù hợp với Luật Quy hoạch.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhận định, bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư. Luật Công chứng cũng đã quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh sẽ xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nhìn nhận, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng theo hướng bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch, bởi, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng không có trong danh mục kèm theo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, công chứng là ngành nghề đặc thù, cần được quy định chặt chẽ, cần bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng.
Theo đại biểu Hoa, Luật Công chứng hiện hành đã có một số quy định về thành lập văn phòng công chứng, tuy nhiên chưa đủ để tăng cường chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng trong bối cảnh bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Những quy định này được quy định trong Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng sửa đổi năm 2014, quy định trong giai đoạn đầu xã hội hóa hoạt động công chứng đến nay đã không còn phù hợp. Đại biểu đề nghị việc phát triển tổ chức công chứng trong giai đoạn hiện nay cần nâng cao chất lượng để có hệ thống công chứng chuyên nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng dịch vụ công chứng không như dịch vụ massage, karaoke, hậu quả và hệ quả của nó rất lớn, bỏ quy hoạch tổng thể là đúng nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch trên các tỉnh, thành phố, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. “Công chứng ở vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải có trách nhiệm. Chính phủ tới đây khi sửa đổi Luật Công chứng đề nghị phải làm chặt chẽ hơn, tránh những hệ lụy sau này không giải quyết được”, đại biểu Nghĩa nói. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng “nhà nước có trách nhiệm phát triển phòng công chứng ở vùng khó khăn, không có khả năng đầu tư, để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, do vậy không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng kế hoạch”.
T.THỦY – TTXVN
Điều chỉnh quy hoạch không được ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Luật Quy hoạch ra đời phải là luật gốc của tất cả các loại quy hoạch; với các nguyên tắc: đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định, bền vững, cùng với đó đảm bảo có thứ bậc trong quy hoạch, từ cấp quốc gia, ngành, vùng, tỉnh. Trong Luật Quy hoạch có nội dung quy hoạch tỉnh. Trong nội hàm về quy hoạch tỉnh cũng tích hợp cả các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Việc này sẽ dẫn đến sự chồng chéo, lãng phí tiền của, thậm chí không triển khai trong thực tiễn được. Về vấn đề tình trạng điều chỉnh quy hoạch phổ biến hiện nay, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, trong Luật Quy hoạch còn quy định vấn đề điều chỉnh quy hoạch mang tính chất định lượng, “Khi nào được điều chỉnh, căn cứ vào tiêu chí nào. Đưa ra khái niệm “ảnh hưởng không lớn”, vậy nhưng thế nào là không lớn?”, đại biểu Sinh nói. Đại biểu cho rằng, vì có nội dung điều chỉnh quy hoạch trong Luật có tính chất định lượng như vậy dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch một cách không có căn cứ, thậm chí có lợi ích nhóm cho việc đó, điều chỉnh quy hoạch méo mó, đường sá giao thông tắc, trẻ em không có trường học, không có chỗ vui chơi. Đại biểu đề nghị, cần xem lại công tác quản lý quy hoạch khi xây dựng quy hoạch. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch cần có tiêu chí, đặc biệt là không được ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và nền sản xuất của xã hội. T.T |